Học viện Hải quân: Đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Thời gian qua, Học viện Hải quân đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số gắn với xây dựng 'nhà trường thông minh' góp phần nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, Phòng Chính trị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về mục đích, vai trò, sự cần thiết của chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) đến toàn bộ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên trong toàn Học viện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đưa mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số vào nghị quyết lãnh đạo và kế hoạch của từng năm học; đồng thời, gắn việc thực hiện chuyển đổi số với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng, đảng viên.

Các giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phần mềm mô phỏng áp dụng vào giảng dạy.

Đại tá, PGS, TS Hồ Thanh Hòa, Phó giám đốc Học viện Hải quân cho biết: “Việc chuyển đổi số đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Công tác điều hành, quản lý GD-ĐT logic, khoa học và thông suốt. Giảm đáng kể hồ sơ, giấy tờ và nhân lực so với công tác điều hành theo phương pháp truyền thống trước đây. Các ứng dụng như: Cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý giám sát an ninh phòng học, hội nghị giao ban, dạy học trực tuyến… phục vụ tốt cho công tác GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, chỉ huy điều hành hoạt động của Học viện”.

Học viện thường xuyên tổ chức hội thảo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học viên. Nội dung, thời gian huấn luyện được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm quá trình làm việc được thực hiện hiệu quả trên “môi trường số”. Học viện đã tổ chức thành công hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong GD-ĐT” bằng tiếng Anh.

Kiểm tra giờ huấn luyện thực hành tại phòng học chuyên dùng của Khoa Hàng hải.

Việc đưa vào sử dụng các hệ thống mô phỏng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào GD-ĐT tại Học viện Hải quân đã giúp cho học viên chủ động trong học tập, không giới hạn trong truy cập các tài liệu học tập, chất lượng đào tạo được nâng lên, tiết kiệm nhiều chi phí trong quá trình đào tạo. Tại Học viện Hải quân, quá trình huấn luyện khai thác sử dụng máy đo sâu NEL-20K trên tàu Gepard 3.9 chủ yếu là lý thuyết, thời gian thực hành trên thiết bị thật chưa nhiều, gây khó khăn trong việc học tập. Trung tá, Ths, Nguyễn Đình Quyền, Chủ nhiệm Bộ môn Máy hàng hải, Khoa Hàng hải đã thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu mô phỏng tính năng máy đo sâu NEL-20K trên tàu Gepard 3.9”.

Sản phẩm của đề tài là một hệ thống (có thể cài đặt trên máy tính cá nhân) mô phỏng đầy đủ tính năng của máy đo sâu giống như thiết bị thật. Trung tá Nguyễn Đình Quyền chia sẻ: “Phần mềm phục vụ trực tiếp giảng dạy nội dung thực hành được trực quan, sinh động và sát thực tế đơn vị; cung cấp cho người dùng tài liệu về cơ sở nguyên lý máy đo sâu, phim huấn luyện khai thác sử dụng máy đo sâu NEL-20K; hình ảnh và tính năng một số máy đo sâu được trang bị trong Quân chủng Hải quân. Đề tài có bộ câu hỏi trắc nghiệm liên quan máy đo sâu giúp học viên có thể tự kiểm tra, đánh giá quá trình học tập, nghiên cứu. Ngoài ra sản phẩm còn có hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm”.

Phần mềm mô phỏng máy đo sâu áp dụng vào giảng dạy tại Học viện Hải quân đã phát huy được hiệu quả giúp học viên nâng cao khả năng tự học tập, nghiên cứu. Trong quá trình học tập, huấn luyện về máy đo sâu, thay vì phương pháp đọc chép như trước đây, giảng viên chủ yếu nêu vấn đề để học viên tự tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận. Học viên Nguyễn Đức Thắng, Lớp KH39C, Tiểu đoàn 4 cho biết: “Phần mềm mô phỏng máy đo sâu cung cấp rất nhiều thông tin trực quan, sinh động giúp chúng tôi dễ tiếp thu và hiểu sâu kiến thức. Việc mô phỏng các hỏng hóc và biện pháp khắc phục không chỉ giúp học viên trong khai thác, sử dụng mà còn từng bước làm chủ được máy đo sâu NEL-20K”.

Các học viên khoa Cơ điện được huấn luyện thành thạo trên phần mềm mô phỏng trước khi khai thác sử dụng trang bị kỹ thuật.

Trong hai năm (2022-2023), Học viện Hải quân đã thực hiện: 1 đề tài cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 2 đề tài cấp tỉnh, 5 đề tài cấp Quân chủng, 23 đề tài, sáng kiến cấp ngành… Chỉ tính riêng năm 2022, các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Học viện đã đạt: 1 giải A, 7 giải B, 1 giải C Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh và 1 giải Ba, 4 giải Khuyến khích Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật đều có hàm lượng trí tuệ cao, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT tại Học viện cũng như các đơn vị.

Cùng với tiến trình hiện đại hóa, Học viện Hải quân đã phát triển đồng bộ cơ sở vật chất đi đôi với số hóa, tích hợp dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung… Trao đổi về hướng phát triển việc chuyển đổi số trong thời gian tới, Đại tá, PGS, TS Hồ Thanh Hòa khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống dạy học trực tuyến, quản lý đào tạo sẵn sàng kết nối với hệ thống tri thức trên hệ thống của Bộ Quốc phòng, đáp ứng nhu cầu tự học, tự đào tạo của giảng viên, học viên. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các nhà trường trong quân đội nhằm chia sẻ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế để nâng cao chất lượng GD-ĐT”.

Nhiều năm nay, Học viện Hải quân là một trong những đơn vị có thành tích cao trong phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Những kết quả đạt được đã và đang khẳng định những bước đi vững chắc trong quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng Học viện Hải quân “tinh, gọn mạnh, hiện đại” theo mô hình “nhà trường thông minh”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

THANH BÌNH - DUY KHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoc-vien-hai-quan-day-manh-chuyen-doi-so-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-763952