Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát và làm việc tại huyện Tri Tôn

Chiều 22/5, đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, do PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng làm trưởng đoàn đã đến thăm xã An Tức và làm việc với UBND huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), nhằm thực hiện khảo sát xã hội về 'Quan hệ giữa dân tộc/tộc người thiểu số với tôn giáo ở Việt Nam: Đặc điểm, xu hướng mới'.

PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi tại buổi làm việc với huyện Tri Tôn

TS Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm trao đổi với đoàn khảo sát

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang.

Đoàn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tìm hiểu khái quát đặc điểm tình hình chung của huyện Tri Tôn; tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023; một số vấn đề tôn giáo, dân tộc và mối quan hệ giữa tôn giáo, dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, trao đổi thuận lợi, khó khăn, những vấn đề đặt ra trong tôn giáo, dân tộc; một số giải pháp và đề xuất của huyện Tri Tôn để thực hiện tốt công tác tôn giáo, dân tộc thời gian tới.

Huyện Tri Tôn hiện có 2 xã biên giới, 8 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 5 xã đặc biệt khó khăn, 37 chùa Khmer. Huyện có 3 dân tộc sinh sống chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó, 33,31% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 2.900 hộ nghèo (chiếm 8,65%), trong đó có 2.098 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 18,77% hộ dân tộc).

Những năm qua, Tri Tôn thực hiện nhiều chương trình chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Hỗ trợ đất ở, nhà ờ, đất sản xuất, vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông trong vùng dân tộc, hỗ trợ các chùa Khmer chỉnh trang khuôn viên gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa Khmer...

Các tôn giáo trên địa bàn huyện Tri Tôn hoạt động theo quy định pháp luật; đồng bào có đạo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện – xã hội và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Điển hình như: Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, sư sãi, à cha các chùa Khmer vận động đóng góp chỉnh trang nông thôn, xây dựng cầu, đường, cất nhà cho hộ nghèo… Trên địa bàn huyện chưa có vụ việc lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, không có tôn giáo hoạt động trái pháp luật.

Dịp này, Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện các phiếu khảo sát cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện Tri Tôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc và một số hộ Khmer của xã An Tức để tập hợp ý kiến đề xuất giúp Đảng, nhà nước có thêm thông tin, góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách. Từ đó, có định hướng, giải quyết tốt hơn mối quan hệ dân tộc - tôn giáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-khao-sat-va-lam-viec-tai-huyen-tri-ton-a363703.html