Học trò miền Tây chinh phục cuộc thi do Mỹ tổ chức

Từ thực tiễn sản xuất, nhóm sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đã sáng tạo Hệ thống tưới tiêu thông minh và Dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài trên cao.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ nhận giải Nhất và giải Ba Cuộc thi “Từ sáng tạo đến thị trường”.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ nhận giải Nhất và giải Ba Cuộc thi “Từ sáng tạo đến thị trường”.

Sáng tạo thiết thực đã đoạt giải Nhất và giải Ba Cuộc thi “Từ sáng tạo đến thị trường” do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức.

Giúp nhà nông chăm sóc vườn cây từ xa

Để đoạt được giải Nhất cuộc thi, Đội FMS (Hệ thống FMS - Điều khiển thông minh thiết bị trong trang trại thông qua Internet) của Trường ĐH Cần Thơ vượt qua hơn 100 sinh viên thuộc 13 đội từ các trường kỹ thuật lớn của Việt Nam.

Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường ĐH Cần Thơ do TS Trần Thanh Hùng hướng dẫn. Nhóm sinh viên gồm: Đỗ Minh Khôi (Công nghệ Kỹ thuật Hóa học), Trần Thị Kiều Trinh (Công nghệ Kỹ thuật Hóa học), Phạm Phú Quí (Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa), Dương Mỹ Huyền (Quản lý Công nghiệp), Nguyễn Xuân Toàn (Kỹ thuật Cơ khí), Nguyễn Đại Nghĩa (Kỹ thuật Cơ điện tử), Huỳnh Quý Khang (Kỹ thuật Phần mềm).

Theo chia sẻ Đội FMS, hầu hết các hộ dân vẫn đang sử dụng các phương pháp tưới tiêu truyền thống. Sử dụng hệ thống tưới tràn (sử dụng máy bơm có đường ống) hoặc nước thủ công trực tiếp, gây ra nhiều hạn chế. Do đó, Đội FMS đã nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động tưới cây trồng, có thể điều khiển từ xa cho hệ thống tưới tiêu qua wifi. Ngoài ra, thiết bị còn tích hợp với hệ thống tưới tiêu có sẵn trong trang trại và làm cho nó trở thành một hệ thống được quản lý thông qua điện thoại thông minh và Internet.

Hệ thống được tích hợp chức năng bao gồm bật/tắt máy bơm và van điện từ; thiết lập thời gian bật/tắt cho bơm và van; đo nhiệt độ và độ ẩm ở trang trại hoặc vườn. Hệ thống còn tự động tắt van và máy bơm khi phát hiện trời đổ mưa; bật/tắt máy bơm và van trên bàn phím của thiết bị. Hiển thị một số thông số quan trọng trên màn hình LCD, gửi và lưu trữ dữ liệu về nhiệt độ và độ ẩm trên ứng dụng ThingSpeak. Để giải quyết vấn đề thiết bị vận hành có công suất cao, một số contactor (khởi động từ) được thêm vào để kết nối FMS với thiết bị vận hành.

Đội FMS trình bày Hệ thống Điều khiển thông minh thiết bị trong trang trại thông qua Internet.

Đội FMS trình bày Hệ thống Điều khiển thông minh thiết bị trong trang trại thông qua Internet.

Hệ thống điều khiển tưới thông minh được sử dụng trên điện thoại dễ vận hành, giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc cây trồng (tiết kiệm năng lượng, tiêu thụ nước, thời gian và công sức). Đáp ứng nhu cầu của nông dân hiện đại, góp phần mang lại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Do đó, hệ thống được đánh giá cao về giá trị thực tiễn, tính khả thi và khả năng áp dụng rộng rãi trong canh tác nông nghiệp.

Chia sẻ về Hệ thống Điều khiển thông minh thiết bị trong trang trại thông qua Internet, Nguyễn Đại Nghĩa, Trưởng nhóm nghiên cứu Đội FMS, cho biết: Hệ thống FMS gồm nhiều thiết bị có thể tự động điều chỉnh hệ thống tưới tiêu từ xa. Thông thường người dân điều khiển hệ thống tưới tiêu theo cách truyền thống là cắm điện cho máy bơm chạy.

Với FMS, người dân có thể điều khiển ngay trên điện thoại. Hệ thống cũng tích hợp các tấm pin năng lượng Mặt trời để cung cấp điện năng mà không cần đến nguồn điện bình thường. Nhóm còn bổ sung thêm vào hệ thống những cảm biến giúp đo chất lượng của nước và đất. Người dùng có thể được cảnh báo khi nước và đất đến lúc phải thay mới...

Sử dụng hệ thống tưới tiêu thông minh, anh Ngô Văn Đạt, ngụ quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: “Hệ thống có giao diện dễ sử dụng, nông dân lớn tuổi cũng có thể điều khiển các chức năng. Ưu điểm của hệ thống là giúp người nông dân chủ động trong quá trình tưới tiêu cây trồng. Trong lúc đi chợ, đi công việc, thậm chí đi du lịch vẫn có thể ra lệnh tưới tiêu vườn cây thông qua điện thoại thông minh. Hệ thống cảm biến còn giúp người dân kiểm soát lượng nước tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hợp lý nhất”.

Dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài trên cao được người dân sử dụng.

Dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài trên cao được người dân sử dụng.

Thực tiễn và khả năng áp dụng đại trà

Cuộc thi “Từ sáng tạo đến thị trường” thu hút các đội sinh viên từ nhiều trường đại học lớn chuyên về kỹ thuật trên cả nước. Cuộc thi còn được tổ chức theo hình thức gọi vốn trước những nhà đầu tư tiềm năng. Tại cuộc thi, Hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh (FMS) của nhóm sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đã giành giải Nhất, được các chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn và khả năng áp dụng đại trà. Theo chia sẻ của nhóm FMS, sau hơn 1 năm nghiên cứu và phát triển, hệ thống FMS đã tiếp cận được một số khách hàng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một số nhà đầu tư cũng ngỏ ý sẽ góp vốn đầu tư cho dự án.

Đến nay, Trường ĐH Cần Thơ tham dự Cuộc thi “Từ sáng tạo đến thị trường” được 2 lần. Lần này có 3 đội đều do TS Trần Thanh Hùng hướng dẫn, nhưng do dịch Covid-19, nên thời gian tổ chức bị kéo dài hơn dự kiến, một đội đã tốt nghiệp nên không thể tham dự. Do đó, trường có 2 đội tham gia cuộc thi năm nay và cả 2 đội đều đoạt giải.

Theo đó, đội đoạt giải còn lại là Đội MBT của Khoa Công nghệ (đoạt giải Ba tại cuộc thi) với Dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài trên cao. Đội MBT gồm các thành viên: Lâm Phúc Thông (Công nghệ Kỹ thuật Hóa học), Võ Nhỉ Khang (Kỹ thuật Cơ điện tử), Trần Minh Tấn (Kỹ thuật Cơ điện tử), Nguyễn Ngọc Trang (Kỹ thuật Cơ điện tử), Trần Duy Khánh (Kỹ thuật Cơ điện tử).

Dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài trên cao của Đội MBT giúp người nông dân thuận tiện hơn và giảm nguy hiểm khi bao trái xoài trên cao. Trước đây, trong quá trình bảo vệ xoài khỏi sâu bệnh, người dân phải sử dụng túi giấy chuyên dụng để bảo vệ và nâng cao chất lượng trái xoài từ khi còn nhỏ đến khi thu hoạch. Nhưng việc quấn trực tiếp mà không có dụng cụ ở những vị trí cao dễ gây nguy hiểm cho người nông dân.

Đội MBT đã sáng tạo ra dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài giúp người dân dễ dàng sử dụng. Dụng cụ hoạt động dựa trên chuyển động cơ học, không sử dụng điện nên có nhiều ưu điểm, giải quyết tốt nhất vấn đề hiện tại của người nông dân… Ông Nguyễn Bé Tư, chủ vườn xoài xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), cho biết: “Trước đây, người dân bao trái xoài phải leo cây hoặc dùng thang để lên cao, việc này khá vất vả và nguy hiểm. Nhờ dụng cụ hỗ trợ bao trái xoài, người dân rất khỏe, chỉ cần đưa bao vào dụng cụ rồi bao trái một cách nhanh chóng. Khả năng áp dụng vào thực tiễn của dụng cụ này rất hiệu quả và được người dân ủng hộ”.

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/hoc-tro-mien-tay-chinh-phuc-cuoc-thi-do-my-to-chuc-chwhMBs7R.html