Học trái ngành liệu có thực sự đáng sợ như mọi người nghĩ?

Nguyễn Thanh An (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm 3, khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có một hành trình đầy thăng trầm cùng bài học quý giá khi học trái ngành với niềm đam mê ngành Báo chí, Truyền thông. An đã biến 'thất bại' thành cơ hội để bản thân trưởng thành hơn, đồng thời gắn kết được niềm đam mê truyền thông từ những hiểu biết mang tên 'Triết học'.

Ngay từ khi còn là một cô học sinh cấp ba, mình đã nhận ra mình rất yêu thích những công việc liên quan đến ngành Truyền thông, Báo chí. Bởi vậy, mình đã chẳng ngần ngại mà đăng ký ngay vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền và được các thầy cô tại phòng Đào tạo của trường tư vấn rất kỹ khi đặt bút chọn ngành.

Nguyễn Thanh An (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm 3, khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nguyễn Thanh An (sinh năm 2003) đang là sinh viên năm 3, khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Mình có đăng ký cả những ngành bên khối Lý luận lẫn những ngành bên khối Nghiệp vụ, bởi vì mọi người có bảo rằng nếu như trường hợp mình có không đủ điểm thì cũng có thể ở lại với ngôi trường mà mình yêu thích. Và điều này đã thành hiện thực, vì thiếu chút điểm mà mình đã không thể đỗ được vào ngành Báo Truyền hình, chỉ trúng tuyển vào ngành không bao giờ nghĩ bản thân lại có cơ hội được tiếp xúc: Ngành Triết học.

Với những ngày đầu khi là cô sinh viên năm nhất, mình rất chểnh mảng, đôi khi chẳng quan tâm đến công việc học hành. Những ngày tháng ấy mình vẫn luôn tự trách bản thân tại sao lại chẳng cố gắng thêm để đạt được đến ngành học ước mơ.

Rồi những suy nghĩ tiêu cực lại bủa vây, mình luôn nghĩ rằng: “Vậy là mọi cơ hội việc làm cho ngành Truyền thông, Báo chí trong tương lai đang dần khép lại với mình rồi hay sao?”

Mình từng có ý định thi lại, nhưng rồi cảm thấy hành trình ôn thi rất gian nan. Bên cạnh đó, mình thấy bản thân đã nỗ lực hết mình ở kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, nên việc thi lại cũng khiến mình cảm thấy mệt mỏi hơn. Và mình cũng tâm niệm rằng, cuộc sống của chúng ta chỉ có một con đường duy nhất đó chính là bước tiếp về phía trước.

Khi mình mở rộng góc nhìn ra những người xung quanh, mình thấy rằng ngành học đâu có quyết định hoàn toàn đến tương lai của một người đâu. Điển hình là chị biên tập viên Ngọc Trinh dẫn Bản tin tài chính kinh doanh của VTV. Mình không nghĩ rằng chị ấy cũng là một cử nhân ngành Triết học thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng chị vẫn đang công tác trong lĩnh vực mà mình hằng mơ ước. Chị vẫn yêu thích truyền hình, chị nhận ra rằng chị có năng khiếu ở lĩnh vực đó, vậy là chị cứ đi theo đam mê của chính mình mà thôi; chẳng có bất cứ điều gì có thể ràng buộc được chị chỉ vì ngành học của bản thân cả.

Mình cũng có xem được một cuộc phỏng vấn của chị trên một Talkshow nổi tiếng và mình chợt nhận ra rằng: Hóa ra Triết học đâu có tệ như mình đã nghĩ và việc học ngành nào đâu có hoàn toàn quyết định đến được công việc tương lai của bạn sẽ làm gì đâu cơ chứ. Vậy thì, việc trúng tuyển này hoàn toàn có thể là một cơ hội mới để mình được khám phá và học hỏi được thêm rất nhiều ở lĩnh vực này và đó chính là bước đệm vững chãi cho những công việc mà bản thân mình dự định hướng đến.

Khi dấn thân sâu hơn vào ngành Triết học, mình có được một cái nhìn khách quan hơn về mọi thứ diễn ra trong xã hội này và chính việc thay đổi góc nhìn cũng giúp mình trở nên điềm đạm hơn và có cách ứng xử phù hợp hơn trong cuộc sống.

Thanh An có góc nhìn khách quan hơn về mọi thứ diễn ra trong xã hội.

Thanh An có góc nhìn khách quan hơn về mọi thứ diễn ra trong xã hội.

Mình dần hiểu rằng mọi thứ đều có nguyên do của nó và mọi sự vật hiện tượng đều có mối liên hệ, đều có một sự phát triển và đều có những nguồn gốc lịch sử riêng. Từ đây, mình cũng hiểu được rằng không có việc gì là đơn giản cả, mọi vấn đề đều có những nguyên nhân của riêng nó và việc đi tìm hiểu sâu và phân tích cụ thể sẽ giúp đưa ra được những cách nhìn nhận và hành động đúng đắn.

Áp dụng cách nhìn ấy vào cuộc sống, mình nhận thấy rằng kiến thức Triết học cũng lại mang lại rất nhiều những lợi ích cho công việc làm Truyền thông của mình. Với một khả năng tư duy logic cùng với kỹ năng viết tốt thì đó chẳng phải sẽ là một “thứ vũ khí lợi hại” cho công việc của mình hay sao?

Đam mê một lần nữa trong mình lại trỗi dậy và mình quyết định làm CV và nộp vào những dự án truyền thông có chấp nhận sinh viên. Mới ban đầu mình rất hy vọng vào những dự án lớn được nhiều người biết tới và có tầm quy mô lớn, bởi đối với mình nếu như được cộng tác với những dự án ấy thì quả là một vinh hạnh to lớn đối với mình.

Thanh An làm công việc khác liên quan đến truyền thông cho các dự án và tổ chức sự kiện.

Thanh An làm công việc khác liên quan đến truyền thông cho các dự án và tổ chức sự kiện.

Nhưng rồi mình lại bị thất vọng thêm một lần nữa bởi những CV mà mình gửi đi đều không nhận được sự phản hồi, nhưng mình vẫn quyết tâm “thử” thêm nhiều nơi khác có quy mô nhỏ hơn. Và cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với mình khi mình được trở thành cộng tác viên truyền thông của một dự án nhỏ.

Tại đây, mình được phân vào ban Truyền thông của dự án và được các anh chị mentor đi trước hướng dẫn rất nhiệt tình. Mình không chỉ được hướng dẫn về cách thức vận hành của dự án, cách thức quản lý công việc của dự án mà còn được hướng dẫn về cách thức quản trị công việc, quản trị nhân sự sao cho hiệu quả.

Đây chính là những kinh nghiệm, những bài học quý báu và tất cả đều rất có ích cho công việc trong hiện tại và tương lai mình đang thực hiện. Trong dự án này, mình rất vui vì đã được đề cử làm sub-leader để hỗ trợ các anh chị trong việc đào tạo, làm việc với những nhân sự mới tham gia dự án. Ở một vị trí khác, mình lại có góc nhìn khác và được thử sức với các nhiệm vụ mới, mặc dù thời gian gắn bó không dài nhưng đây chính là một trong những công việc đầu tiên mà mình thử sức trong lĩnh vực mà bản thân mình yêu thích.

Sau khi hợp tác với dự án này, mình tiếp tục thử sức ở nhiều công việc khác liên quan đến truyền thông cho các dự án và tổ chức sự kiện. Mình được mở mang và học hỏi thêm rất nhiều điều mới từ các anh chị đi trước.

Bên cạnh đó, khi mình ứng dụng những kiến thức, góc nhìn trong triết học vào công việc như công việc viết nội dung quảng bá sản phẩm, thiết kế ấn phẩm, mình cũng được các anh chị khen rất nhiều bởi khả năng phân tích và tư duy tốt. Càng làm việc, mình càng am hiểu thêm và càng cảm thấy yêu thích ngành học cũng như công việc của mình hiện tại, mặc dù xét về bề ngoài thì nó chẳng có gì là liên quan đến nhau cho lắm.

Bởi vậy, mình không xem việc trúng tuyển vào ngành Triết học như là một “sự cố” mà đó chính là một cơ hội để mình có thêm nhiều kỹ năng và kiến thức mới. Mình vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực học tập và rèn luyện để không ngừng nâng cao tri thức và kinh nghiệm của mình trong tương lai. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, mình sẽ tiếp tục đi đến tận cùng của niềm đam mê.

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân (Ghi)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoc-trai-nganh-lieu-co-thuc-su-dang-so-nhu-moi-nguoi-nghi-post1637254.tpo