Học tập 'vượt biên giới': Từ Hà Nội, Sài Gòn rồi đến Melbourne

Nguyễn Khánh Ngọc, hiện đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại Đại học RMIT. Nữ sinh viên đã khẳng định mình không chỉ qua quá trình học tập mà còn bằng những trải nghiệm đa dạng tại 3 cơ sở của RMIT: từ Hà Nội, Sài Gòn đến Melbourne. Dù là trong bức tranh đa văn hóa của Melbourne hay nhịp sống sôi động tại Sài Gòn, Hà Nội, Khánh Ngọc luôn tìm kiếm sự phát triển bản thân với một tinh thần cởi mở và sẵn lòng học hỏi, 'không gì là không thể'.

Hà Nội đến Sài Gòn: Mở rộng vùng an toàn thứ nhất

Là người yêu thích môi trường đào tạo quốc tế, Khánh Ngọc chọn RMIT như một “mối duyên lành”, bởi trường không chỉ cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao mà còn mở rộng cánh cửa học tập trên thế giới với vô số cơ hội và trải nghiệm. “Một trong những lý do mình chọn học tại RMIT bởi sự linh hoạt trong việc học trao đổi giữa các cơ sở khác nhau của trường. Vì thế, khi nhập học RMIT cơ sở Hà Nội, mình đã xác định sẽ đi trao đổi sang RMIT Melbourne vào năm hai. Tuy nhiên, 19 năm “chỉ gắn bó” tại Hà Nội khiến mình có chút chần chừ và cảm thấy chưa sẵn sàng. Nên mình đã từng bước từ từ “mở rộng vùng an toàn thứ nhất” bằng cách “trao đổi” vào cơ sở Nam Sài Gòn trước, tạo một “bước đệm” cho tinh thần”, nữ sinh viên bộc bạch.

Khánh Ngọc tại RMIT cơ sở Nam Sài Gòn.

Bước đến một thành phố mới, nơi mà cuộc sống đô thị sôi động và nhịp đập nhanh hơn nhiều, Khánh Ngọc phải tự mình đối mặt với những khó khăn ban đầu: từ việc thuê nhà, tự tay nấu nướng cho đến việc tự lập trong mọi hoạt động sinh hoạt. “Thời gian đầu tại Sài Gòn, mình cảm thấy khá lạc lõng, mọi thứ đều mới mẻ và đôi khi quá sức với một tân sinh viên mới rời xa gia đình. Cảm giác xa lạ, cô đơn khiến việc rời khỏi vùng an toàn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thay vì chùn bước, mình đã chọn cách mở lòng, quảng giao với mọi người xung quanh. Dần dần, mình đã tìm được chính mình trong môi trường mới, học được cách thích nghi và hòa nhập”, Khánh Ngọc chia sẻ.

Quãng thời gian này không chỉ giúp nữ sinh viên rèn luyện được khả năng tự lập mà còn là cơ hội để cô hiểu rõ hơn về bản thân. Khánh Ngọc nhận ra, để thích nghi và phát triển trong một môi trường mới, không chỉ cần có kiến thức và kỹ năng, mà quan trọng hơn, cần có sự tự tin và khả năng đối diện với cảm xúc của chính mình. Cô học được cách quản lý cảm xúc, biến những lo lắng, sợ hãi ban đầu thành động lực để vượt qua khó khăn, thách thức.

Khánh Ngọc tham gia Ngày trải nghiệm RMIT 2022.

Những bài học về cảm xúc này không chỉ giúp Ngọc trở nên tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong học tập và công việc. Việc mở rộng vùng an toàn, từ Hà Nội đến Sài Gòn, không chỉ là quãng đường địa lý mà còn là hành trình phát triển bản thân, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về thế giới xung quanh. Nữ sinh viên đã chứng minh rằng, mỗi chúng ta đều có thể vượt qua giới hạn của bản thân, miễn là chúng ta dám đối diện và dám thay đổi.

Định vị bản thân tại Melbourne

Khánh Ngọc đến với cơ sở RMIT Melbourne sau khi đã gắn bó với RMIT Nam Sài Gòn 7 tháng học và trải nghiệm. Sự chuyển tiếp này không chỉ là bước ngoặt quan trọng trong quá trình học tập của nữ sinh viên mà còn là cơ hội để Khánh Ngọc mở rộng tầm nhìn và thử thách bản thân trong một môi trường quốc tế đa dạng hơn. “Mình nhớ cảm giác đầu tiên khi đặt chân lên Melbourne, kỳ diệu làm sao mình lại có suy nghĩ “mình thuộc về nơi đây”. Melbourne không chỉ mang đến một bầu không khí mới mẻ, mà còn là nơi mình cảm nhận được sự rộng lớn của thế giới, sự đa dạng của các nền văn hóa”, Khánh Ngọc bồi hồi.

Khánh Ngọc (hàng đầu bên phải) và những người bạn của mình tại cơ sở RMIT Melbourne.

Không gian mở của Melbourne giúp Khánh Ngọc không cảm thấy áp lực về điểm số hay cạnh tranh gay gắt như nhiều nơi khác. Thay vào đó, cô tập trung vào việc làm quen, trải nghiệm và học hỏi từ văn hóa, con người tại đây. “Quá trình “tìm nhà, tìm việc” là những khó khăn đầu tiên giúp mình trở nên tự lập và dũng cảm hơn trong việc đối mặt với môi trường sống mới và thị trường lao động khó đoán như Melbourne. Mình có công việc đầu tiên sau ba tháng miệt mài tìm việc: bán hàng và phục vụ tại các sự kiện. Tuy nhiên, mọi thứ đã không như mong đợi. Đối mặt với một quản lý khó tính và môi trường làm việc tiêu cực, mình đã rất “shock” và quyết định rút lui sau một tháng. Bởi mình nhận ra rằng sự đánh đổi giữa thời gian và công sức không mang lại giá trị tinh thần hay bài học nào đáng giá cho bản thân”, Khánh Ngọc tâm sự.

Tuy nhiên, thay vì nản lòng, những kinh nghiệm này càng làm tăng thêm quyết tâm của Ngọc trong việc theo đuổi đam mê và khám phá bản thân. Nữ sinh viên nhen nhóm ý tưởng về “khởi nghiệp”, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghệ và thực phẩm, cô nhận thấy mình có niềm đam mê mạnh mẽ với việc tạo ra giá trị cho cộng đồng. Hơn nữa, việc tham gia vào các chương trình hỗ trợ du học sinh và học hỏi về nền tảng kinh doanh đã mở rộng tầm nhìn và thay đổi góc nhìn của Khánh Ngọc về cuộc sống.

Khánh Ngọc tham gia cuộc thi Open Innovation Competition và xuất sắc đạt Top 6 chung cuộc.

“Mình đã tham gia cuộc thi Open Innovation Competition – một cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do thành phố Melbourne tổ chức với dự án “PassMe” - một nền tảng trao đổi các món đồ cũ mong muốn góp phần tạo dựng cộng đồng du học sinh hỗ trợ lẫn nhau. Tưởng chừng đội của mình sẽ bị yếu thế hơn so với các đội bản xứ, nhưng mình và đồng đội đã đạt được Top 6 chung cuộc. Hiện tại, dự án PassMe của mình đã đi vào hoạt động và ứng dụng đang trong quá trình phát triển. Mình hy vọng tạo ra một nền tảng vững chắc giúp mọi người không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn góp phần vào việc giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.” - nữ sinh viên cho biết.

Mục đích sống mà Khánh Ngọc luôn theo đuổi.

Hành trình học tại RMIT, một mình “dám” trải nghiệm hết ba cơ sở tại hai châu lục, qua từng trải nghiệm, từ việc tự mình tìm kiếm cơ hội thực tập, tham gia vào các dự án khởi nghiệp, cho đến việc tham gia các hoạt động cộng đồng và sự kiện văn hóa, Khánh Ngọc đã học được giá trị của sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm và tầm quan trọng của việc mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nữ sinh luôn tin rằng “Dù tuổi 20 có thể là thời kỳ đầy vô định và thách thức, nhưng cũng chính là lúc để chúng ta dám mơ, dám làm và khám phá chính mình. Hãy cứ là chính mình, bởi vì chỉ khi bạn trung thành với chính mình, bạn mới có thể tìm ra con đường dành cho mình.”

Một số thành tích tiêu biểu của Khánh Ngọc:

- Nhà sáng lập dự án PassMe - một trang thương mại điện tử dành cho sinh viên quốc tế mua bán hàng hóa cũ (ứng dụng hiện đang trong quá trình phát triển)

- Chiến thắng Ý tưởng triển vọng và Truyền cảm hứng tại cuộc thi FounderHUB 2023

- Học bổng Study Melbourne Career Catalyst Scholarship 2023 do chính phủ Úc cấp

- Giải nhất cuộc thi RMIT Activator Circular Impact Academy 2023

- Top 6 cuộc thi khởi nghiệp City of Melbourne Open Innovation Competition 2023

- Cố vấn học thuật ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại phòng ban RMIT VN Student Academic Success

Tô Ngọc Oanh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hoc-tap-vuot-bien-gioi-tu-ha-noi-sai-gon-roi-den-melbourne-post1617999.tpo