Học tập tấm gương người cộng sản Nguyễn Chí Thanh xây dựng Đảng bộ Thừa Thiên Huế vững mạnh

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, từ rất sớm đồng chí đã bộc lộ bản lĩnh, nhiệt huyết và khả năng đoàn kết Nhân dân để chống bất công. Được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu dìu dắt, đồng chí sớm giác ngộ, tham gia cách mạng và nhanh chóng được giao những nhiệm vụ quan trọng. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ làng Niêm Phò rồi sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi chưa tròn 1 tuổi Đảng. Bám sát thực tiễn phong trào cách mạng, đồng chí đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí đấu tranh cách mạng của đồng bào trên vùng đất quê hương.

Tư liệu về cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Bảo Phước

Trong những năm 1938 đến năm 1945, đồng chí ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột nổi tiếng tàn khốc ở miền Trung nhưng đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, ý chí kiên định, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Sau mỗi lần thoát khỏi chốn lao tù, đồng chí lại trở về xây dựng cơ sở, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh. Tháng 8/1945, đại diện cho tổ chức đảng ở Trung Kỳ, đồng chí được cử ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Sau hội nghị, đồng chí trở về cùng Xứ ủy Trung kỳ lãnh đạo Nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng ở Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tại chiến trường miền Trung ác liệt, nhất là trận tuyến Bình - Trị - Thiên khói lửa, là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ những năm 1945 - 1946; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân Khu ủy Bình - Trị - Thiên những năm 1947 - 1948; Bí thư Liên Khu ủy Liên khu IV từ năm 1948 -1950, đồng chí đã lãnh đạo phong trào kháng chiến giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Đồng chí để lại dấu ấn sâu đậm với câu nói bất hủ tại Hội nghị Nam Dương (tháng 3/1947): “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta cần tranh thủ từng thôn, từng người dân. Chúng ta không để mất dân, chết không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ ở Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bình tĩnh, mưu lược để tìm ra con đường đấu tranh mới, đó là phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Đây cũng là sự vận dụng sáng tạo vào thực tiễn tư tưởng xây dựng “thế trận lòng dân”, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của Trung ương Đảng, sau này được cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang Bình - Trị - Thiên quán triệt để khôi phục và phát triển phong trào kháng chiến. Bản thân đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã kiên cường, gương mẫu trong chiến đấu, được Đảng bộ và Nhân dân ba tỉnh Bình - Trị - Thiên gọi là “linh hồn cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên” [1].

Tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại xã Quảng Thọ. Ảnh: Thái Bình

Năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí đã có vai trò hết sức to lớn trong việc đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, xây dựng nề nếp công tác đảng, công tác chính trị, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của quân đội, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của cán bộ, chiến sĩ, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội làm nòng cốt trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng quốc phòng.

Từ năm 1961 đến năm 1964, trước yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển phong trào hợp tác ở miền Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Trên mặt trận quan trọng hàng đầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ, đồng chí được các hợp tác xã, nông trường suy tôn với tên gọi thân thương “Đại tướng của nông dân”, người trực tiếp sâu sát cơ sở, tâm huyết với các mô hình hợp tác hóa nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh tế nông nghiệp. Những nỗ lực của đồng chí đã góp phần đưa nông nghiệp miền bắc phát triển, trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Cuối năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng cử vào miền Nam, đảm đương trọng trách Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam và là đại diện của Bộ Chính trị tại chiến trường, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam trong thời điểm bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí đã có những tư duy sáng tạo trước tình hình nhiệm vụ mới. Từ thực tiễn chiến đấu của các địa phương, đơn vị, đồng chí đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến. Đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường, như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Đồng chí luôn nắm bắt nhanh nhạy và khái quát sâu sắc cục diện cuộc chiến để đề ra quyết sách cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết đánh và quyết thắng quân Mỹ xâm lược.

Không chỉ là một vị tướng có tài thao lược, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là nhà lý luận chính trị xuất sắc. Những bài báo, bài viết của Đại tướng thể hiện sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, mang hơi thở cuộc sống, gắn liền giữa lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn. Đồng chí say mê nghiên cứu và học tập không ngừng để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt trên từng cương vị công tác, từ khoa học quân sự đến khoa học nông nghiệp, giáo dục. Cùng với đó, đồng chí luôn sâu sát với cơ sở, với phong trào, từ phong trào để đúc kết thành thực tiễn và vận dụng để chỉ đạo, điều hành. Các phong trào: “Cờ Ba Nhất” trong quân đội; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong ngành công nghiệp; “Trống Bắc Lý” trong ngành giáo dục đều gắn liền với tên tuổi của Đại tướng.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Dù trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn tạo ấn tượng đặc biệt về một người lãnh đạo “văn võ song toàn”, một danh tướng tài ba và đức độ suốt đời sống và làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, nhà lý luận chính trị sâu sắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là tấm gương với lối sống trong sáng, giản dị. Trong hồi ký của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh trong quân đội, chiến sĩ, người thân, người đã từng sống và làm việc với Đại tướng gắn liền với nhiều mẩu chuyện, những kỷ niệm đầy tính nhân văn. Nhờ tác phong gần gũi và sâu sát, đồng chí luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, đồng cam cộng khổ với đồng bào, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn chặt với thực tiễn.

Hơn 55 năm kể từ ngày Đại tướng đã đi xa nhưng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần nhiệt huyết cách mạng, ý chí mãnh liệt và tài đức vẹn toàn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn có sức lay động và lan tỏa sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân. Đúng như Giáo sư Song Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã viết: “Sau Bác Hồ vĩ đại, một trong những người cộng sản lãnh đạo có đức, có tài, có tâm huyết, khí phách, có sức hấp dẫn lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng, đó là đồng chí Nguyễn Chí Thanh” [2]. Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đối với quê hương Thừa Thiên Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là danh nhân hàng đầu trong lịch sử cách mạng tỉnh nhà. Đồng chí trưởng thành trong phong trào mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo ở Thừa Thiên Huế và sớm tỏ rõ bản lĩnh cách mạng, tài năng, trí tuệ của một nhà lãnh đạo được các tầng lớp nhân dân yêu mến. Từng 3 lần lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, tên tuổi đồng chí Nguyễn Chí Thanh gắn liền với những bước thăng trầm của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Có thể nói, đây là những thời điểm Thừa Thiên Huế bị địch đàn áp tàn khốc, dã man, cơ sở bị vỡ liên tục, có thời điểm Tỉnh ủy bị mất liên lạc với Trung ương (những năm 1942 - 1943), đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vững vàng, kiên định với tư duy chiến lược mới, từng bước đưa phong trào cách mạng qua cơn nguy biến, giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường. Từ năm 1948 trở đi, đồng chí rời quê hương để đảm đương những nhiệm vụ mới. Mặc dù vậy, ở trên cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng dành cho quê nhà sự quan tâm và tình cảm đặc biệt.

Đối với Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh mãi là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh nhà học tập và noi theo. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, Thừa Thiên Huế đã có các lớp huấn luyện đảng viên Nguyễn Chí Thanh; các lớp học về tài liệu “chống chủ nghĩa cá nhân” của Nguyễn Chí Thanh; nghiên cứu, học tập các tác phẩm đánh Mỹ nổi tiếng của Trường Sơn (bút danh của đồng chí Nguyễn Chí Thanh) để vận dụng trong thực tiễn [3]. Chính tư tưởng tiến công cách mạng và ý chí quyết chiến, quyết thắng của đồng chí đã trở thành sức mạnh để quân và dân Thừa Thiên Huế hoàn thành sứ mệnh cùng với cả nước đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống của một vùng đất đã “đi vào lịch sử các thành phố anh hùng trên thế giới” [4], không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết, nỗ lực khắc phục những khó khăn, thách thức, vững bước đi lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến nay, trải qua 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng. Nổi bật, giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,3%/năm. Trong năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 11.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 2.700 USD. Cơ sở hạ tầng được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2023 giảm còn 2,27%. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để đạt mục tiêu lớn này, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng có ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn đẩy mạnh việc học tập và noi theo tấm gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế. Học tập ở đồng chí về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tư duy độc lập sáng tạo để đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quê hương không ngừng phát triển. Trước mọi khó khăn, thách thức, trước những vấn đề mới đặt ra trong xu thế đổi mới, hội nhập và phát triển vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, ý chí kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh và quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, đổi mới và phát triển.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi xa đã hơn 5 thập kỷ nhưng danh tiếng về tài năng, đức độ và những cống hiến của đồng chí đối với quê hương Thừa Thiên Huế, đối với đất nước vẫn sẽ mãi được lưu truyền trong dòng chảy lịch sử đương đại. Đồng chí mãi là niềm tự hào, là tấm gương để cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thừa Thiên Huế học tập và noi theo, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

HOÀNG KHÁNH HÙNG

(UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

[1] Bài viết Nguyễn Chí Thanh với các bước ngoặt cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế trong tập sách Vị tướng khởi nguồn Gió Đại Phong, NXB Thời đại, tr.21.

[2] Hội Xuất bản Việt Nam - Thông tấn xã Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nxb Thời đại - NXb Thông tấn, Hà Nội, 2010, tr.158.

[3] Nhiều tác giả: Vị tướng khởi nguồn Gió Đại phong, Nxb Thời đại, tr.21.

[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập III (1975 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.383.

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoc-tap-tam-guong-nguoi-cong-san-nguyen-chi-thanh-xay-dung-dang-bo-thua-thien-hue-vung-manh-136438.html