Học sinh ngộ độc hàng loạt: Bộ GDĐT yêu cầu tăng cường bảo đảm ATTP bữa ăn học đường

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành văn bản số 6141/BGDĐT-GDTC, ngày 21/11/2022 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở GDĐT, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cụ thể, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản đến khâu vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản đến khâu vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản đến khâu vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.

Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho trường học.

Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và năng chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không đảm bảo; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các qyu định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chóng dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Học sinh ngộ độc hàng loạt tại Khánh Hòa, Bộ Y tế cử chuyên gia chống độc hỗ trợ

Chiều tối ngày 21/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Vương Ánh Dương cùng các chuyên gia về chống độc, truyền nhiễm, vi sinh đến Khánh Hòa hỗ trợ điều trị vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại Trường Ischool Nha Trang.

Chiều ngày 21/11, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc số 1519/KCB-NV về việc hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa xử trí các trường hợp ngộ độc hàng loạt.

Theo đó, tại văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai; Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết trước tình hình ngộ độc hàng loạt của học sinh tại Trường tiểu học, THCS và THPT iSchoolNha Trang và theo đề nghị của Trường tại về việc hỗ trợ xử trí liên quan vụ ngộ độc hàng loạt của học sinh tại Trường, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã giao Bệnh viện Bạch Mai cử nhóm chuyên gia tham gia Đoàn công tác của Bộ Y tế (gồm đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục An toàn thực phẩm) trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu nguyên nhân, xử trí cấp cứu, điều trị người ngộ độc.

Theo đó, đoàn công tác do TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế làm trưởng đoàn, cùng các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai bao gồm: TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc và các chuyên gia về truyền nhiễm và vi sinh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tập trung mọi nguồn lực để theo dõi, xử trí kịp thời diễn biến của các ca ngộ độc, tổ chức hội chẩn trực tuyến xin ý kiến Bệnh viện Bạch Mai đối với những ca bệnh có diễn biến tăng nặng, nguy kịch.

Báo cáo hàng ngày diễn biến tình hình các ca ngộ độc về Cục Quản lý Khám chữa bệnh trước 16h00 và báo cáo ngay nếu có diễn biến bất thường để Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Viện Pasteur Nha Trang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và Đoàn công tác của Bộ Y tế để tìm hiểu nguyên nhân ngộ độc để giúp điều trị hiệu quả.

Theo dự kiến, đoàn công tác và các chuyên gia của Bộ Y tế ngay khi đến Khánh Hòa sẽ đến thăm người bệnh đang điều trị tại một số cơ sở y tế và trao đổi, làm việc về chuyên môn tại đây.

Học sinh ngộ độc hàng hoạt, 387 người nhập viện

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang, theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, đến 11h ngày 21/11, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận 648 người đến thăm khám, trong đó 261 ca điều trị ổn định cho về theo dõi, số nhập viện là 387 ca, đến nay đã xuất viện 176 ca.

Tổng số trường hợp đang điều trị là 211 ca, trong đó tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 85 ca, Bệnh viện 22-12 là 58 ca, Bệnh viện Quân y 87 là 9 ca, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là 25 ca, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang là 13 ca, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí 20 ca, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh 1 ca.

21 trường hợp nặng theo dõi ngày 20/11 hiện tình trạng ổn định.

Đến nay, trong số các trường hợp bị ngộ độc đã có 1 trường hợp tử vong trên đường chuyển đến bệnh viện tuyến trên.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/yeu-cau-tang-cuong-bao-dam-an-toan-thuc-pham-khi-to-chuc-bua-an-hoc-duong-119221122101717458.htm