Học sinh mua hóa chất tự chế tạo pháo: Hiểm họa khôn lường

Tình trạng học sinh tự lên mạng mua hóa chất, xem clip hướng dẫn rồi mày mò chế tạo pháo gây hiểm họa khôn lường, nhiều trường hợp thương tật vĩnh viễn.

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều tỉnh thành ở Tây Nguyên liên tục xảy ra các vụ tai nạn do nổ pháo tự chế.

Mới nhất, tối 8-1, tại Lâm Đồng xảy ra vụ nổ pháo khiến hai cháu PGB và ĐNH (14 tuổi, ngụ xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) nguy kịch, bị đa vết thương, thủng phổi.

Mua hóa chất trên mạng, tự chế pháo

Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định vụ tai nạn xảy ra do hai em PGB và ĐNH tự chế tạo pháo, trong quá trình trộn hóa chất xảy ra nổ. Số hóa chất này được các em mua từ trên mạng.

 Công an thị xã Ayun Pa phát hiện kịp thời vụ sáu học sinh mua 2 kg hóa chất tự chế tạo pháo nổ. Ảnh: CACC

Công an thị xã Ayun Pa phát hiện kịp thời vụ sáu học sinh mua 2 kg hóa chất tự chế tạo pháo nổ. Ảnh: CACC

Tại Gia Lai, ngày 31-12-2023, Công an thị xã Ayun Pa đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một vụ sáu học sinh một trường THCS (từ lớp 6 đến 9) chế tạo pháo. Tang vật thu giữ là 2 kg các tiền chất và 62 quả pháo tự chế có kích thước 5 cm đến 25 cm; 11 vỏ nhựa và một số vật dụng khác dùng để chế tạo pháo nổ.

Ngày 22-12-2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an huyện Chư Sê phát hiện, xử lý hai học sinh tại một trường THCS trên địa bàn mua tiền chất thuốc nổ để chế tạo pháo. Công an thu giữ 1 kg tiền chất thuốc nổ, 50 gam thuốc pháo nổ, 89 vỏ pháo giấy, 43 vỏ pháo bi bằng nhựa và nhiều nguyên liệu, dụng cụ khác nhau dùng để chế tạo pháo nổ.

Trường hợp tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai), hai học sinh trường THCS Phan Chu Trinh (lớp 6 và lớp 7, xã Nam Yang) không may lúc pha trộn hóa chất đã xảy ra vụ nổ, gây bỏng nặng ở mặt, tay, chân hiện và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, Công an huyện Đăk Hà bắt quả tang em TVH (17 tuổi, ngụ xã Hà Mòn) trong quá trình chế tạo pháo nổ.

 Các loại pháo tự chế có nguy cơ sát thương rất cao. Ảnh: CACC.

Các loại pháo tự chế có nguy cơ sát thương rất cao. Ảnh: CACC.

Tại cơ quan điều tra, H khai nhận, đã nhờ người đặt mua KClO3 và lưu huỳnh trên trang TikTok Shop. Sau đó, tự xem các clip hướng dẫn trên mạng, chế tạo pháo nổ mục đích mang đi bán kiếm lời trong dịp Tết. H đã chế tạo được 14 quả pháo nổ. Cũng trên địa bàn huyện này, một học sinh khác mua tiền chất về chế tạo pháo được gia đình phát hiện kịp thời.

Hiểm họa khôn lường với sức khỏe, tính mạng

Trao đổi với PLO, bà Lê Thị Nhung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) khẳng định những việc làm như chế tạo pháo nổ, nhà trường và phụ huynh kịch liệt phản đối vì mức nguy hại từ pháo quá lớn, ảnh hưởng sức khỏe và tương lai của học sinh.

“Từ khi vụ việc được phát hiện trên địa bàn, Phòng đã có chỉ đạo và quán triệt các trường, cùng phụ huynh có những khuyến cáo, cảnh báo đến học sinh, yêu cầu các em không được tham gia các hoạt động nguy hại, vi phạm pháp luật. Các buổi chào cờ, các trường đều có nhắc nhở các em học sinh”, bà Nhung nói.

Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, việc học sinh tự ý mua hóa chất để chế tạo pháo xảy ra trong thời gian qua là việc làm hết sức nguy hiểm, do các em học sinh còn nhỏ nên chưa nhận thức hết tác hại. Tới đây, sở sẽ có văn bản, triển khai cụ thể đến các trường học trên địa bàn quán triệt, nghiêm cấm những hành vi này.

Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tác hại khi chế tạo, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép.

Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát địa bàn, nắm bắt tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các hành vi vi phạm về pháo nổ.

Vấn đề này, Trung tá Nguyễn Minh Sáng, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Gia Lai), nhấn mạnh: Việc chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật; tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới sức khỏe, tính mạng con người và tình hình an ninh, trật tự.

Nếu xảy ra tai nạn, hệ lụy vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng cho cá nhân, gia đình mà còn cả xã hội; ở mức nhẹ thì gây thương tích, nặng có thể gây chết người. Về trách nhiệm, ở mức độ nghiêm trọng có thể bị xem xét, xử lý hình sự.

 Những dụng cụ, tiền hóa chất dùng chế tạo pháo nổ bị lực lượng công an thu giữ. Ảnh: CACC

Những dụng cụ, tiền hóa chất dùng chế tạo pháo nổ bị lực lượng công an thu giữ. Ảnh: CACC

Theo Trung tá Sáng, đã có nhiều vụ nổ do pháo tự chế gây hậu quả nặng nề như thương tật tay chân, mất thị lực, tàn phế suốt đời. Đau lòng hơn là có nạn nhân tử vong khi đang ở lứa tuổi học sinh, để lại nỗi buồn đau không nguôi cho người thân.

“Việc mua tiền hóa chất trên mạng để chế tạo pháo nổ rất khó quản lý, kiểm soát. Để ngăn chặn hiệu quả việc học sinh “tò mò” tự chế pháo thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, phụ huynh và các ngành chức năng. Đối với học sinh, các em cần có sự cam kết rõ ràng để có trách nhiệm, tránh vi phạm”, Trung tá Sáng nói.

Thời gian qua, đơn vị đã triển khai rất nhiều đợt tuyên truyền, in các tờ rơi tuyên truyền về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và chế tạo pháo… các mức độ xử phạt. Trên địa bàn tỉnh vừa qua đã phát hiện 17 vụ liên quan mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo với khối lượng hơn 1,2 tấn pháo.

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, Điều 11 quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm có thể bị phạt tiền từ 1 đến 40 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-sinh-mua-hoa-chat-tu-che-tao-phao-hiem-hoa-khon-luong-post771388.html