Học sinh đi xe máy điện đến trường, nên cấm hay khuyến cáo?

Hiện, nhiều nhà trường yêu cầu học sinh không đi xe máy điện đến trường khiến một số phụ huynh không đồng tình.

Tình trạng học sinh chưa đủ 16 tuổi vẫn đi xe máy điện diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: TG

Tuy nhiên, dưới góc độ nhà quản lý giáo dục lại có cách lý giải khác.

Vì sự an toàn học sinh

Mới đây, một số phụ huynh có con học THCS tại TP Nam Định (tỉnh Nam Định) phản ánh, lãnh đạo nhà trường thông báo từ tháng 11/2023, học sinh không được đi xe máy điện đến trường. Nhiều người cho rằng, tại sao trường ra thông báo khi năm học mới đã diễn ra hai tháng. Bố mẹ mua xe cho con trước khai giảng mà giờ cấm thì đi bằng gì tới trường?

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Thế Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT TP Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, ngày 31/10, đơn vị ra văn bản gửi tới các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn về một số giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh. Trong đó, nhà trường không để học sinh tự đi xe máy điện đến trường bắt đầu từ ngày 1/11.

Điều này nhằm thực hiện Công điện số 05 ngày 25/2/2016 của Ủy ban ATGT quốc gia; Công văn số 996 ngày 10/7/2023 cũng như Công văn 1718 ngày 25/10/2023 của UBND TP Nam Định. Theo lý giải của ông Lâm, việc tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh được tiến hành sớm, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo từ cấp trên.

“Chúng tôi luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Dù có quy định cấm học sinh THCS đi xe máy điện nhưng khi thực hiện cần có lộ trình. Học sinh vì lý do nào đó cố tình đi thì thầy cô vẫn cho vào học. Tuy nhiên, sau đó nhà trường sẽ mời phụ huynh đến trường trao đổi và giao lại phương tiện. Phòng quán triệt các trường làm thật tốt khâu tuyên truyền để phụ huynh hiểu, đồng tình và tự giác thực hiện”, ông Lâm nói.

Câu chuyện tương tự ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi Trường Tiểu học Đại Kim ra thông báo yêu cầu học sinh không được đi xe đạp đến trường khiến nhiều phụ huynh khó hiểu. Theo phản ánh, do gia đình không có điều kiện đưa đón con đi học mỗi ngày nên mua xe đạp cho con chủ động đi lại. Mặt khác, học sinh cuối cấp tiểu học đủ lớn để có ý thức tham gia giao thông, giảm tải việc đeo trên lưng sách vở khi đi bộ.

Giải thích về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ký - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Kim cho biết, trường có hơn 2 nghìn học sinh; đa số các em sống ở gần trường nên phụ huynh có thể đưa đón hoặc đi bộ đi học. Việc đạp xe đạp trên đường không an toàn. Hơn nữa khuôn viên trường chật, không đủ chỗ để xe nên nhà trường không khuyến khích các em đi xe đạp đến trường.

“Nhà trường không cấm mà chỉ nhắc nhở học sinh không đi xe đạp đi học để đảm bảo an toàn. Đa số học sinh ở tại địa bàn nên có thể đi học bằng xe đạp nhưng thực tế giao thông khu vực này rất đông. Nhà trường mong bố mẹ đưa con đi học để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn có thể xảy ra”, cô Nguyễn Thị Ký chia sẻ thêm.

TS, Luật sư Đặng Văn Cường - giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Thủy lợi. Ảnh: TG

Học sinh lớp mấy mới được đi xe máy điện?

Dưới góc nhìn pháp lý, TS, Luật sư Đặng Văn Cường – giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, các phương tiện tham gia giao thông hiện nay đa dạng. Tùy thuộc vào độ tuổi và điều kiện kinh tế - xã hội mà mỗi địa phương, khu vực phổ biến các hình thức phương tiện giao thông khác nhau, trong đó lứa tuổi học sinh thì xe đạp và xe đạp điện khá phổ biến. Tùy từng độ tuổi mà pháp luật cho phép học sinh được sử dụng phương tiện nào phù hợp.

Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Xe máy điện là xe gắn máy chạy bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không vượt quá 4 KW, vận tốc thiết kế tối đa không lớn hơn 50 km/giờ. Điều 60 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự...

“Học sinh tiểu học và THCS chưa đủ 16 tuổi nên theo quy định của pháp luật hiện hành, các em không được phép sử dụng xe gắn máy có công suất dưới 50 cm³.

Chỉ học sinh THPT đủ 16 tuổi mới được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định tại Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ. Bởi vậy, các địa phương ra văn bản tuyên truyền pháp luật thì cần căn cứ vào quy định này để ban hành, viện dẫn, tuyên truyền để phụ huynh và học sinh nắm được, nghiêm túc thực hiện”, TS, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia, hiện không chỉ có xe mô tô, xe gắn máy mà trên thị trường còn có xe đạp điện, xe máy điện. Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50 km/giờ, trừ các xe quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 2 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Những loại xe này, học sinh chưa đủ 16 tuổi không được sử dụng. Còn xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/giờ và khi tắt máy có thể đạp bằng bàn đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện). Do đó, học sinh có thể dùng.

“Một số địa phương khuyến cáo, quy định cấm học sinh dưới 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện là phù hợp quy định pháp luật. Việc đưa ra các quy định của cơ sở giáo dục phải phù hợp với văn bản pháp luật, đồng thời có sự giải thích hướng dẫn áp dụng để không gây tranh cãi. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra, quy chế được ban hành thì việc tuyên truyền rất cần thiết để người dân hiểu và tự giác chấp hành”, TS, Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-di-xe-may-dien-den-truong-nen-cam-hay-khuyen-cao-post660172.html