Học luật trên sân khấu

Những điều luật, quy định tưởng chừng khô khan, cứng nhắc lại trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ khi được các bạn trẻ lồng ghép vào tiểu phẩm, tiết mục nghệ thuật, video clip... Đây cũng là điểm nhấn làm nên thành công của Hội thi 'Tuổi trẻ với pháp luật' của Đoàn cơ sở Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1), đơn vị được lựa chọn làm trước để rút kinh nghiệm ở các tổ chức đoàn trong toàn quân.

Nhìn cơn mưa nặng hạt cuối chiều, cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Trung đoàn 141 phấp phỏng lo hội thi buổi tối sẽ thưa vắng khán giả. Thế nhưng nỗi lo ấy như con gió thoáng qua bởi trước khi diễn ra hội thi một giờ đồng hồ, hội trường Trung đoàn đã chật kín người với những băng rôn, khẩu hiệu của tuổi trẻ đơn vị, ĐVTN địa phương cùng đông đảo bà con trong vùng đến cổ vũ.

Các cổ động viên chiến sĩ đội trên đầu những chiếc mũ “tự chế” ngộ nghĩnh có in tên đội nhà. Các bạn trẻ địa phương nổi bật trong màu áo xanh đoàn viên cùng những khẩu hiệu rực đỏ: “Phủ Thông cố lên”, “Ải Chi Lăng quyết thắng”, “Từ Liêm vô địch”, “Phan Đình Giót số 1”. Các bà, các chị xúng xính trong trang phục dân tộc Nùng, đến góp vui với hội thi bằng tiết mục hát then đậm tình người bản xứ.

Thí sinh của 4 đội thi không chỉ là cán bộ, ĐVTN đơn vị mà còn có sự tham gia nhiệt tình của tuổi trẻ địa phương, tạo nên một hội thi đa dạng màu sắc, phong cách thể hiện, mang đậm dấu ấn sáng tạo của những người trẻ.

Trong tiếng hò reo cổ vũ, Binh nhì Vũ Hải Đăng, đoàn viên Chi đoàn Đại đội 16 (thành viên đội Ải Chi Lăng) ghé sát, giọng thì thầm: “Đội chúng tôi đầu tư ôn luyện rất kỹ lưỡng. Các bạn đoàn viên địa phương tham gia rất chịu khó tìm hiểu kiến thức pháp luật từ những nguồn tài liệu khác nhau. Chúng tôi tranh thủ mọi thời gian rảnh vào ngày nghỉ, giờ nghỉ để thục luyện. 3 đội còn lại cũng có những “chiến thuật” ôn luyện thông minh và đều là đối thủ “đáng gờm”.

Các đội tranh tài trong phần thi tìm hiểu kiến thức và xử trí tình huống pháp luật.

Sau màn chào hỏi được sân khấu hóa với 4 màu sắc không lẫn với nhau, các đội khiến khán giả bất ngờ với những tiết mục nghệ thuật công phu, hoạt cảnh sân khấu tạo tiếng cười dí dỏm nhưng đầy tính trí tuệ, giáo dục sâu sắc. Không chỉ đơn thuần là “chào hỏi” với phần giới thiệu sinh động về đội mình, các thí sinh còn truyền tải thông điệp ý nghĩa của hội thi: Thượng tôn pháp luật!

Kết thúc màn chào hỏi với điểm số rượt đuổi nhau sát sạt, các đội bước vào phần thi được mong đợi hơn cả-tìm hiểu kiến thức và xử trí tình huống pháp luật, với tinh thần quyết tâm cao nhất mang chiến thắng về cho đội nhà. Được thiết kế sân khấu hóa, mô phỏng cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, phần thi thứ hai mang đến nhiều sự hồi hộp cho khán giả với những tiếng chuông vang lên nhanh như chớp để giành quyền trả lời. Cứ như vậy, 10 câu hỏi thử tài am hiểu kiến thức pháp luật đã không làm khó được cả 4 đội khi những câu trả lời chính xác được đưa ra, thể hiện nhận thức sâu và nắm chắc kiến thức của các thành viên về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống ma túy, Luật An ninh mạng, Luật Giao thông đường bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Càng về cuối, sức hấp dẫn của hội thi càng tăng lên. Câu hỏi xử trí tình huống pháp luật được thể hiện dưới dạng video clip, có bối cảnh, nhân vật, câu chuyện, tình huống rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Ngồi cùng hàng ghế khán giả, chúng tôi nghe bà Hoàng Thị Kim, người dân tộc Nùng, ở xã Thượng Cường (Chi Lăng, Lạng Sơn) thủ thỉ với Binh nhì Hoàng Văn Anh (cổ động viên đội Từ Liêm): “Các nhân vật mặc quân phục trong những video clip là bộ đội hay diễn viên vậy cháu?”. Hoàng Văn Anh trả lời, vẻ đầy tự hào: “Đều là bộ đội của đơn vị, bà ạ”. Bà Hoàng Thị Kim ngạc nhiên: “Mấy lần bà được xem các cháu bộ đội trẻ huấn luyện, tăng gia sản xuất, rất khẩn trương, nghiêm túc. Không ngờ các cháu còn đàn giỏi, hát hay, nhảy đẹp như thế!”.

Để có được những video clip làm câu hỏi xử trí tình huống, ngoài nội dung phù hợp, sát với cuộc sống đời thường, ban tổ chức chọn lựa những cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng ĐVTN địa phương có khả năng diễn xuất, chất giọng tốt để thục luyện và ghi hình. Đây không đơn thuần là những câu hỏi xử trí tình huống mà thông qua hình thức sinh động này để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật một cách cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và hấp dẫn với người trẻ. Hiệu ứng của phần xử trí tình huống được minh chứng ngay tại hội thi khi nhiều khán giả háo hức, chăm chú theo dõi các video clip rồi sôi nổi bàn tán, rỉ tai nhau câu trả lời: “Tình huống này phải xử lý như này...”. Phần thi tuyên truyền không kém sôi nổi với màn thể hiện lôi cuốn về những vấn đề liên quan đến công tác tư tưởng, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị, bằng hình thức sân khấu hóa kết hợp tuyên truyền có hoạt cảnh.

Hội thi khép lại với những điểm số không quá cách biệt. Thứ hạng không còn là điều quan trọng, mà hơn cả là mỗi người nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của hội thi cũng như được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích, cần thiết về pháp luật thông qua một phương thức sinh động-sân khấu của những người trẻ sáng tạo, nhiệt huyết.

Nói về thành công của hội thi, Trung tá Trương Đức Hiếu, Phó chính ủy Trung đoàn 141 tâm đắc: “Hội thi có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đồng thời là cơ hội để tuổi trẻ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bổ ích”.

Bài và ảnh: KHÁNH MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hoc-luat-tren-san-khau-735656