Học làm bác sĩ của thú cưng

Ngành bác sĩ thú y được xếp vào top 10 nhóm ngành nghề 'siêu hot' vào năm 2025...

Sinh viên đồng hành, hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình chăm sóc sức khỏe thú cưng. Ảnh: TSHL

Có một tình yêu thương động vật từ nhỏ, xem chúng như bạn và là một phần trong cuộc sống, Hà Thị Hải Yến, sinh viên năm 2 Khoa Thú y - Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã vạch sẵn cho mình lộ trình tương lai khi theo học ngành bác sĩ thú y, chuyên chăm sóc thú cưng.

Tình yêu cho thú cưng

Đối với Yến, mỗi loài động vật đều xứng đáng được yêu thương và chăm sóc tốt nhất. Cô mong muốn là một trong rất nhiều người giúp chúng có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Khi theo học ngành này, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho thú cưng, Yến cũng chú trọng đến việc làm đẹp thẩm mỹ. Cô cho biết, nếu theo học chuyên sâu Spa&Grooming (cắt tỉa lông, tắm gội… cho thú cưng) sẽ được tham gia các giải đấu trên các tỉnh và nhiều quốc gia. Đó cũng là động lực để Yến học tập chuyên sâu về nhóm ngành này.

“Học làm bác sĩ thú cưng không hề dễ dàng, cần phải có sự kiên trì nỗ lực, không ngừng học hỏi để có nhiều kiến thức vững về thú y. Muốn theo đuổi và làm lâu dài với nghề, sinh viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt với chủ thú cưng, một tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương”, Yến chia sẻ.

TS Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, Trưởng khoa Thú y - Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ, khi cùng nhau trò chuyện với sinh viên, hỏi về lý do chọn ngành thú y, gần 90% các bạn đều chọn theo học vì đam mê và tình yêu dành cho các loài động vật.

Cần học những gì?

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên Khoa Thú y được đào tạo cơ bản về sinh lý, hóa sinh, giải phẫu, bệnh lý học, tổ chức học, động vật học, vi sinh vật thú y và các hoạt động chuyên ngành như xét nghiệm, chẩn đoán cùng các hoạt động khác liên quan...

Ngành Thú y của Trường Đại học Nông Lâm hiện đang đào tạo các bác sĩ có năng lực chuyên môn về thú y. Sinh viên được học các thao tác phòng thí nghiệm; chẩn đoán bệnh thông thường; sử dụng dược phẩm, vắc-xin phòng trị bệnh cho chăn nuôi; Luật Thú y, thị trường thuốc thú y; chăn nuôi thú cảnh… Sinh viên trường còn được tham gia chương trình song ngữ Việt - Pháp và có cơ hội nhận học bổng du học sau đại học nếu bảo vệ luận văn bằng tiếng Pháp xuất sắc.

Tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM, chương trình đào tạo bác sĩ thú y có 175 tín chỉ, thời gian đào tạo 4,5 năm. Nhóm “Chăm sóc và thẩm mỹ thú cưng” là 1 trong 4 nhóm chuyên ngành được đào tạo tại HUTECH, đây cũng là trường đầu tiên tại Việt Nam đào tạo nhóm ngành chuyên sâu về thẩm mỹ thú cưng.

Nhóm “Chăm sóc và thẩm mỹ thú cưng” tại HUTECH đào tạo các học phần tắm; cắt tỉa lông thẩm mỹ; vệ sinh tai; cắt móng; phẫu thuật thẩm mỹ; tiêm phòng; khách sạn thú cưng; tư vấn dinh dưỡng; dịch vụ xét nghiệm; nha khoa; điều trị nội trú… đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng.

Theo TS Loan, để học về nhóm ngành này, sinh viên phải học đầy đủ những môn cơ bản để làm một bác sĩ thú y. Năm đầu tiên, sinh viên học về động vật học, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y để có hiểu biết cơ bản về ngành học. Kế tiếp là các môn cơ sở ngành giúp các em hiểu đặc tính sinh lý có mối quan hệ mật thiết với cấu trúc cơ thể vật nuôi.

Các môn học vi sinh bệnh động vật, giải phẫu bệnh thú y, sinh lý bệnh động vật, miễn dịch học thú y và vắc-xin là những học phần tiếp nối hoặc nâng cao. Các môn học đều có phần lý thuyết và thực hành đảm bảo hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, Trưởng khoa Thú y - Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: TSHL

Mức lương tới 100 triệu đồng/tháng

TS Loan cho biết, mức lương khởi điểm của bác sĩ thú y mới ra trường khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tùy vào sự phấn đấu trau dồi thêm thêm kiến thức, kỹ năng, danh tiếng, từ đó thu nhập cũng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, nếu làm việc tại nước ngoài, thu nhập của bác sĩ thú y cũng khá cao. Sinh viên tốt nghiệp đi thực tập và làm việc tại các nước ngoài như Nhật Bản, Úc… khi ra trường sẽ có mức lương lên đến 50 - 100 triệu đồng/tháng.

TS Hồng Loan đánh giá, để có công việc tốt, sinh viên cần có niềm tin, sự yêu thích, đam mê và nỗ lực trong học tập cũng như khi ra trường. Trong quá trình học, ngoài việc trang bị kiến thức từ thầy cô, các chuyên gia trong và ngoài nước, sinh viên nên tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, các hội thảo, seminar của khoa, cọ sát với thực tế để vững tay nghề làm hành trang cho công việc sau này.

Cơ hội làm việc rộng mở

Theo TS Loan, hiện nay, số trường đào tạo ngành thú y, chăn nuôi cũng như số lượng sinh viên ra trường hàng năm của ngành này không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp uy tín, các tập đoàn đa quốc gia lớn bởi nhu cầu chăm sóc vật nuôi đang phát triển theo sự phát triển về kinh tế và chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.

Với sự phát triển đó, cơ hội việc làm cho bác sĩ thú y ngày càng rộng mở. Sau khi tốt nghiệp ngành thú y, sinh viên có nhiều hơn một lựa chọn vị trí nghề nghiệp đúng chuyên ngành.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại nhà hoặc tại các phòng khám, bệnh viện hay mở cửa hàng cung cấp dịch vụ cho thú cưng. Một lựa chọn việc khác là làm giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên có kết quả học xuất sắc sẽ được giữ lại trường hay học lên tiếp thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước để về lại khoa giảng dạy.

Ngành bác sĩ thú y được xếp vào top 10 nhóm ngành nghề “siêu hot” vào năm 2025. Hiện nay trên cả nước có khoảng 23 trường đại học đào tạo ngành này. Một số trường đại học đào tạo ngành thú y có uy tín như Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Công nghệ TPHCM… Ngành học này thường tuyển sinh các tổ hợp môn: A00 (Toán, Lý, Hóa); B00 (Toán, Hóa, Sinh); D07 (Toán, Hóa, Anh); C08 (Văn, Hóa, Sinh) …

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-lam-bac-si-cua-thu-cung-post676317.html