Hoạt động ngoại khóa cần thiết thực

Nhiều trường tổ chức các chuyến đi dã ngoại xa, chi phí cao nên không phải học sinh nào cũng tham gia, nhưng nếu không đi sẽ ảnh hưởng đến đánh giá hoàn thành môn.

Một chuyến tham quan của học sinh Trường Tiểu học Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Lam Nhi.

Một chuyến tham quan của học sinh Trường Tiểu học Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Lam Nhi.

Có nhất thiết phải đi xa?

Vừa qua, phụ huynh có con học lớp 10 tại Trường THPT B Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm lớp qua Zalo yêu cầu bắt buộc học sinh lớp 10, 11 tham gia hoạt động trải nghiệm bên ngoài trường mới được đánh giá là hoàn thành môn hoạt động hướng nghiệp trải nghiệm. Địa điểm trải nghiệm là thành cổ Sơn Tây - Ao Vua, đi một ngày, mỗi học sinh đóng 560 nghìn đồng, nếu không ăn tập trung đóng 460 nghìn đồng. Đại diện nhà trường cho biết, trường không hề ép buộc học sinh phải tham gia hoạt động trải nghiệm.

Một học sinh lớp 10 tại Trường THPT Trưng Vương (quận I, TPHCM) phản ánh, trường yêu cầu học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa ở Cần Giờ, với chi phí 490.000 đồng/em. Học sinh này lo nếu em không đi, cũng không có minh chứng đã đến Cần Giờ bằng cách chụp hình gửi giáo viên chủ nhiệm, sẽ bị mất 5 điểm bài đánh giá. Dù sau đó, nhà trường có giải thích nguyên nhân là do “giáo viên chủ nhiệm thông báo không rõ” đến học sinh nên mới có sự “hiểu nhầm”.

Hai ví dụ trên cho thấy một môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với tên gọi “hoạt động trải nghiệm” ở cấp học tiểu học, THCS và “trải nghiệm - hướng nghiệp” ở cấp THPT đang là nỗi lo với một bộ phận gia đình học sinh không có điều kiện đóng phí.

Trường THCS Văn Điển (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), cuối tháng 11 vừa qua tổ chức cho học sinh đi học tập trải nghiệm ở Hạ Long với chi phí gần 400.000 đồng mỗi học sinh. Dù không có yêu cầu bắt buộc từ phía nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nhưng do hoạt động này là một phần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không đơn thuần là một chuyến tham quan nên phần lớn học sinh vẫn đăng ký. Tuy nhiên, ngoài khu di tích lịch sử Bạch Đằng, các ngôi đền thờ Ngô Quyền, Lê Đại Hành… có giới thiệu của hướng dẫn viên, các hoạt động tại công viên, ăn trưa… chủ yếu là mang tính vui chơi, giải trí.

PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm - hướng nghiệp, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, các hoạt động đánh giá trải nghiệm - hướng nghiệp chủ yếu được tổ chức ở quy mô nhà trường, lớp học. Dã ngoại, tham quan là hoạt động khuyến khích, trong kế hoạch của nhà trường, có thể một lần hay đôi ba lần một năm học, không mang tính bắt buộc mà là đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh.

Bà Thoa nhìn nhận việc tham quan, dã ngoại hay những hoạt động ngoài nhà trường đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm. Ở khối 12, tham quan, dã ngoại qua đêm sẽ góp phần cho học sinh thêm những kỷ niệm, tạo không gian để các em thể hiện bản thân, thêm những cảm xúc mới. Tuy nhiên, tổ chức như thế nào để phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng nhà trường và điều kiện học sinh là điều cần được các trường tính toán kỹ lưỡng.

Hoạt động ngoại khóa không phải là du lịch đóng phí

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thụy Anh, hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường là hoạt động bổ ích với học sinh nếu nhà trường có kế hoạch tổ chức hợp lý. Cụ thể, nếu là đi trong ngày sẽ dễ dàng thực hiện hơn, còn đi qua đêm thì cần có sự phối hợp chặt chẽ với hội phụ huynh.

Chị Phạm Ánh Tuyết (phụ huynh có hai con học lớp 6 và 8 Trường THCS Đống Đa, Hà Nội) cho rằng chị ủng hộ việc các con đi tham quan hàng năm nên mỗi khi lớp, trường phát động, chị thường đăng ký đầu tiên. Tuy nhiên, khi các con lớn hơn, những chuyến tham quan có khi kéo dài qua đêm, chị Tuyết lại lo lắng về vấn đề an toàn, bởi không dễ để quản lý một số lượng lớn học sinh đang ở tuổi hiếu động, ưa khám phá. Đó là chưa kể điều kiện cơ sở vật chất khi ăn ngủ qua đêm là một vấn đề không dễ làm hài lòng tất cả học sinh, giáo viên, nhất là trong bối cảnh chi phí đóng đại trà, không thể cao như du lịch nhóm nhỏ nhưng một lượng lớn học sinh cùng đến có thể khiến khu du lịch “vỡ trận”.

PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa cho rằng, để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực sự hướng về mục đích giáo dục, cần có sự đầu tư công sức, sự chuẩn bị nội dung, chương trình trước, trong và sau hoạt động cũng như kiểm soát toàn bộ chương trình. Đưa học sinh đến một điểm và để hoạt động tự do cũng xem như một hoạt động trải nghiệm nhưng sẽ không hiệu quả, không đạt được mục tiêu, nội dung giáo dục trải nghiệm hay trải nghiệm - hướng nghiệp mà chương trình đặt ra.

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoat-dong-ngoai-khoa-can-thiet-thuc-10268691.html