Hoạt động M&A của Trung Quốc ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 17 năm

Hoạt động đầu tư thông qua các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) của các công ty Trung Quốc tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm. Căng thẳng địa chính trị và các vấn đề an ninh quốc gia đang phủ bóng đen lên hoạt động tài chính xuyên biên giới giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Hồi tháng 4, Công ty lưới điện Southern Power Grid International thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đồng ý mua lại tài sản của Tập đoàn năng lượng Enel của Ý ở Peru với giá 2,9 tỉ đô la. Đây là thương vụ M&A ở nước ngoài lớn nhất trong 3 năm qua của Trung Quốc. Ảnh: Leaders League

Hồi tháng 4, Công ty lưới điện Southern Power Grid International thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đồng ý mua lại tài sản của Tập đoàn năng lượng Enel của Ý ở Peru với giá 2,9 tỉ đô la. Đây là thương vụ M&A ở nước ngoài lớn nhất trong 3 năm qua của Trung Quốc. Ảnh: Leaders League

Theo dữ liệu của Dealogic, đầu tư M&A của các công ty Trung Quốc tại Mỹ chỉ đạt tổng cộng 221 triệu đô la Mỹ trong năm nay, giảm mạnh so với con số 3,4 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng đánh dấu tốc độ chậm nhất kể từ năm 2006. Bức tranh ảm đạm của hoạt động M&A của Trung Quốc tại Mỹ phản ánh rõ tác động của địa chính trị đối với lĩnh vực đầu tư xuyên biên giới bùng nổ trước đây, vốn đã tạo cầu nối cho doanh nghiệp Trung Quốc bước vào các thị trường hấp dẫn ở phương Tây trong nhiều năm.

Dữ liệu của Dealogic cũng cho thấy, chỉ có 189 triệu đô la giao dịch M&A của Trung Quốc ở Đức cho đến nay trong năm 2023, mức thấp nhất trong hơn một thập niên. Trong khi đó, hoạt động M&A của Trung Quốc ở Anh và Úc đạt lần lượt 503 triệu đô la và 228 triệu đô la trong cùng kỳ

“Trong nửa đầu năm 2023, không có nhiều hoạt động M&A của Trung Quốc ở các thị trường phương Tây”, Crystal Zhang, đối tác tại Công ty tài chính Arc Group, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.

Theo lãnh đạo của một ngân hàng quốc tế hàng đầu ở châu Á, các giao dịch M&A của Trung Quốc trong thời gian tới ở phương Tây sẽ chủ yếu diễn ra ở những lĩnh vực không đụng chạm đến vấn đề “an ninh quốc gia”.

Tháng trước, Trung Quốc đã đặt ra những hạn chế xuất khẩu mới trong các ngành công nghiệp khoáng sản và kim loại quan trọng.

“Có rất nhiều công ty Trung Quốc rất muốn theo đuổi các thương vụ M&A trong lĩnh vực khai thác khoáng sản quan trọng ở Canada, Úc hoặc Bắc Mỹ. Nhưng những thương vụ M&A này có vẻ khó khả thi hơn trong bối cảnh địa chính trị hiện tại”, Zhang nhận xét.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên băng giá hơn trong năm nay sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu bị cáo buộc do thám của Trung Quốc. Một ủy ban về Trung Quốc của quốc hội Mỹ gần đây tiến hành điều tra hoạt động của các quỹ đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc sau khi Washington áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ chip cao cấp sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi năm ngoái.

Theo dữ liệu của Dealogic, đầu tư M&A của các công ty Trung Quốc tại Mỹ chỉ đạt tổng cộng 221 triệu đô la Mỹ trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2006. Ảnh: Financial Times

Theo dữ liệu của Dealogic, đầu tư M&A của các công ty Trung Quốc tại Mỹ chỉ đạt tổng cộng 221 triệu đô la Mỹ trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2006. Ảnh: Financial Times

Tuy nhiên, hoạt động M&A của Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng ở những nơi khác trên thế giới. Chẳng hạn, hồi tháng 4, Công ty lưới điện Southern Power Grid International thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đồng ý mua lại tài sản của Tập đoàn năng lượng Enel của Ý ở Peru với giá 2,9 tỉ đô la. Đây là thương vụ M&A ở nước ngoài lớn nhất trong 3 năm qua của Trung Quốc. Theo Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ), trong giai đoạn 2017-2021, trong số tất cả các công ty ở khu vực Mỹ Latin mà Trung Quốc tiến hành thâu tóm hoặc đầu tư với tổng giá trị 44,4 tỉ đô la, 71% hoạt động trong ngành điện lực.

Ba giao dịch M&A có giá trị lớn tiếp theo tiếp theo trong năm nay được các công ty Trung Quốc thực hiện ở Singapore.

Tỉnh tổng thể, tổng giá trị đầu tư các thương vụ M&A của Trung Quốc trên toàn cầu trong năm nay, tính đến đầu tháng 8, chưa tới 12,2 tỉ đô la. Con số này là bước thụt lùi lớn nếu so sánh với hàng chục tỉ đô la đầu tư M&A hàng năm của Trung Quốc ở các thị trường nước ngoài trong thập niên trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 ập đến. Năm 2016, M&A ở nước ngoài của Trung Quốc đạt đỉnh 212 tỉ đô la, trong khi đó, con số của năm 2019 là 54 tỉ đô la.

Tình trạng u ám trong hoạt động M&A của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài trái ngược với sự sôi động ở trong nước. Hoạt động M&A tại Trung Quốc đạt mức 27 tỉ đô la trong năm nay và đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015. Các công ty đa quốc gia đang tìm cách tái cấu trúc hoặc cắt giảm các hoạt động tại Trung Quốc đại lục của họ trong bối cảnh môi trường kinh doanh xấu đi.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoat-dong-ma-cua-trung-quoc-o-my-giam-xuong-muc-thap-nhat-17-nam/