HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG ĐỔI MỚI, ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG

Hoạt động giám sát của Quốc hội lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, từng bước giúp hoạt động này đi vào nề nếp. Kể từ đó đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thông qua giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã không ngừng tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng năm 1996 đã xác định rõ hơn nhiệm vụ: “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”.

Sau khi đất nước thống nhất, hệ thống pháp luật của nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, trong nhiều lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, Đảng đã yêu cầu Quốc hội chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp nhằm ban hành kịp thời, có chất lượng các đạo luật, nghị quyết phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với việc đẩy mạnh công tác lập pháp, Đảng cũng yêu cầu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhằm bảo đảm cho việc thi hành Hiến pháp và pháp luật được nghiêm chỉnh, thống nhất. Vì vậy, tại Đại hội lần thứ VII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ cho Quốc hội phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Hoạt động giám sát của Quốc hội lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, từng bước giúp hoạt động này đi vào nề nếp. Ngoài việc tiến hành giám sát như xem xét báo cáo về tình hình hoạt động của các cơ quan nhà nước Trung ương, chất vấn tại kỳ họp, Quốc hội đã nghe các báo cáo giám sát chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành về các vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội nhằm cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sau khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, công tác giám sát đã có chuyển biến rõ nét, chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trước Nhân dân.

Công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thông qua giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, số lượng chất vấn tăng qua các nhiệm kỳ. Từ năm 1994, Quốc hội đã công khai các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội để Nhân dân biết và theo dõi, đánh giá thông qua phát thanh và truyền hình trực tiếp. Quốc hội khóa XII lần đầu tiên ban hành nghị quyết về chất vấn. Quốc hội cũng đã tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát.

Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 8. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cơ bản phản ánh được sự tín nhiệm của đại biểu với người được lấy phiếu, góp phần thay đổi công tác điều hành của những người được lấy phiếu.

“Trong nhiệm kỳ khóa XIII, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện 02 lần, nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành lần đầu lấy phiếu có kết quả thấp nhưng sau đó đã có sự thay đổi, đặt quyết tâm chính trị cao hơn, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực phụ trách, được đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận, đánh giá đúng mức”, PGS.TS Lê Minh Thông nêu quan điểm.

PGS.TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

PGS.TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến rõ rệt, hiệu quả được nâng cao, nhất là trong hoạt động giám sát chuyên đề. Các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chú trọng hơn đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn.

Năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV nhận định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới, với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, chất vấn là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Mục tiêu của hình thức giám sát tối cao này là chất vấn và giám sát đến cùng vấn đề. Các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của mình một cách thường xuyên, hằng năm để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh trong thực tế tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh.

Cùng với đó, thời gian qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức các phiên giải trình riêng về những nội dung đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Tôi cho rằng, những vấn đề được cử tri quan tâm, truyền tải đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát thành viên Chính phủ nhằm mục tiêu cuối cùng là các nghị quyết của Quốc hội được thực thi tốt nhất, mang lại hiệu ứng tốt nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội, giúp người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV

Tuy vậy, sau hơn 07 năm thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 05/2025).

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã gợi ý một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động giám sát. Trong đó nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giám sát được tiến hành tiến hành thường xuyên, liên tục, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng hoạt động giám sát sau giám sát. Đẩy mạnh giám sát việc thi hành pháp luật. Tiến hành thường xuyên hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, coi đây là phương thức quan trọng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát…

Đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phân định rõ chất vấn bằng văn bản và chất vấn trực tiếp tại hội trường; tăng cường chất vấn ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết về chất vấn nêu rõ nội dung, trách nhiệm và thời gian hoàn thành, đề cao hiệu quả thực hiện cam kết sau chất vấn. Gắn kết chặt chẽ giám sát bằng báo cáo, qua khảo sát, qua chất vấn và các kết quả của thanh tra, kiểm tra, nhất là kết quả kiểm toán nhà nước. Gắn kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động lập pháp để kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật; có cơ chế cung cấp thông tin đầy đủ và tin cậy phục vụ hoạt động giám sát. Đồng thời, đổi mới việc lấy phiếu tín nhiệm, nghiên cứu tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ; hoàn thiện quy trình, cách thức lấy phiếu tín nhiệm.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83893