Hoàng Su Phì đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học

BHG - Xác định nâng cao chất lượng dạy và học có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”, do vậy, nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện Hoàng Su Phì không ngừng nỗ lực, tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả gắn với ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Hoàng Su Phì năm học 2023 - 2024 có 445 học sinh. Trong đó, bậc THCS 250 học sinh, bậc THPT có 201 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cho từng bậc học cụ thể. Trong đó, bậc THCS tập trung tổ chức các hoạt động dạy học đảm bảo kiến thức cơ bản, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có hiểu biết ban đầu về các ngành nghề. Đối với bậc học THPT, tổ chức dạy học theo hướng phân hóa sâu, phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của học sinh. Các giáo viên luôn chủ động thiết kế bài giảng theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu; nắm chắc tình hình, nguyên nhân học sinh không thích học môn học và có giải pháp khắc phục hiệu quả. Sử dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học như: Dạy học trên lớp, ngoài lớp, dạy học chủ đề/chuyên đề, dạy học trải nghiệm.

Tuyên truyền bài trừ hủ tục trong trường học ở Trường PTDT Bán trú Tiểu học Pố Lồ.

Thầy Dương Hồng Chí, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023 - 2024, nhà trường tiếp tục thực hiện 2 chương trình giảng dạy gồm: Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 và chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, do đó nhà trường đã chủ động phân tích chương trình giáo dục, các môn học trong chương trình để xây dựng kế hoạch điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp. Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề. Kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra để đánh giá đúng năng lực của học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống kết hợp với giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, dạy học gắn với di tích lịch sử, giáo dục văn hóa truyền thống, thi dân ca, dân vũ... để khơi dậy hứng thú trong học tập của học sinh.

Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 17.000 học sinh. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hoàng Su Phì luôn quan tâm, tạo cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp học, xóa các phòng học tạm từ trường chính đến điểm trường, nhà lưu trú học sinh… Trang thiết bị và đồ dùng dạy học ngày càng được tăng cường, củng cố, từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Các trường học đã tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo các yêu cầu về phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Trường Tiểu học và THCS Nậm Dịch thường xuyên duy trì các câu lạc bộ mỹ thuật, văn hóa, văn nghệ khơi dậy hứng thú trong học tập cho học sinh.

Những năm học gần đây, tỷ lệ tuyển sinh trẻ từ 0-2 tuổi vào nhà trẻ hàng năm đạt khoảng 40%; tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến trường đạt 99,9%; tỷ lệ tuyển sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 98%. Đối với công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nhiều xã, thị trấn đã có những cách làm hay, hiệu quả như: Tổ chức đối thoại với học sinh và phụ huynh lớp 9 để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng em cũng như tư tưởng của phụ huynh; tuyên truyền, động viên, thuyết phục học sinh đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10, tiếp tục đi học THPT. Do đó, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 của huyện tăng lên đáng kể, từ 47,63% (năm 2020) lên 73% (năm 2023).

Để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, Phòng GD&ĐT huyện Hoàng Su Phì đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phối hợp chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh. Tham mưu, triển khai các chính sách đặc thù của địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Tham mưu xây dựng và ban hành kế hoạch xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023 - 2030 để đa dạng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã có số lượng dưới 10 lớp, ít học sinh ở các xã Ngàm Đăng Vài, Bản Nhùng, Bản Phùng, Bản Luốc, Tân Tiến... nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động giáo dục tại địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có năng lực chuyên môn, năng động, sáng tạo trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202312/hoang-su-phi-doi-moi-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-cb403f8/