Hoàng hôn 'cô độc'

Phố, như mọi ngày tấp tập. Dòng người cứ băng ngang qua từng ngã tư, ngã ba. Cuộc sống cứ cuốn theo tiếng còi xe thúc giục. Trên phố ấy, có những cuộc đời bóng người ngã về cuối một con dốc, xa xăm mong cầu hạnh phúc theo từng nhúm rau, quả trứng. Họ đã sống, lặng lẽ ở góc phố, trong con hẻm, với một ước ao hạnh phúc…

“Thầy’’ Tôn

Có lẽ thói quen hay dòm ngó linh tinh đã bao lần khiến tôi để ý đến ông, một người tầm 90 tuổi, bên cạnh chiếc ghế sắt cũ, ngay góc ngã tư Tuyên Quang - Thủ Khoa Huân. Nhiều lúc ông nằm ngủ say sưa, bất chấp sự ồn ào, bất chấp dòng người qua lại, tiếng còi xe.

Ông Tôn (Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc), tôi chỉ biết thế sau lần biếu ông món quà đón xuân. Cũng như mọi ngày, ông thiu thiu ngủ giữa những đợt gió bấc hiu hiu. Dưới vỉa hè là từng bọc trứng gà, vài nhánh chuối, từng bị trứng vịt được ông chia thành từng chục một, để người ta dễ mua về ăn tết. “Ông bán tùm lum chỗ hết, lúc thì ở đây, lúc thì ngồi bên dốc cầu, chỗ này một thời gian không được thì chuyển sang chỗ khác” – ông Tôn nói.

Ông cười - nụ cười móm mém, đôi mắt ướt đượm chút buồn khi hỏi thêm về ông: “Biết tên được rồi con, chú trước làm thầy giáo ở trường Đức Thắng, sau giải phóng về Hàm Hiệp dạy một thời gian rồi nghỉ. Giờ bà nhà bệnh, nằm một chỗ, nên chú đi bán đắp đổi”. Ông nói, và cứ lần lữa không muốn cho tôi biết rõ họ tên. “Con cứ biết tên Tôn là được rồi, ông cảm ơn quà nghen”. Và có lẽ, với ông chút tự tôn còn lại mà ông muốn giữ cho riêng mình.

Ngã tư quen thuộc nơi ông Tôn bán hàng

“Mỗi ngày, kiếm được chừng 100.000 đồng, có bữa vài chục, nhưng đủ cho hai ông bà già. Con cái đứa nào cũng khổ mà, phiền con cái nhiều không được” – ông Tôn bộc bạch. Hàng ngày, nhà có gì ông cắt bán, bà con hàng xóm có gì ông lấy rồi chất lên chiếc xe máy cũ, mang xuống góc ngã tư đong đưa theo dòng chảy cuộc đời. Từ sáng đến hơn 2 giờ chiều lại về…

Những mặt hàng mang đậm chất quê

Gần 11 giờ đêm, con hẻm quen thuộc nhỏ khu phố 10, phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) có một người đàn ông đơn độc. Không điện, ông sống bằng một bóng đèn năng lượng là người bạn trong suốt hàng chục năm qua bên bãi rác của mình. Thứ người ta vứt bỏ, lại là tài sản đối với người đàn ông này. Ông Phương đã bước vào tuổi 80, ông từng có gia đình với 2 người con. Nhưng sau một đoạn đường hạnh phúc, còn lại với ông là chuỗi ngày bơ vơ và đơn độc. Bao nhiêu năm ông không còn nhớ sự ra đi của vợ và dắt theo 2 người con. Với ông giờ này, chỉ có thể tìm vui với rác, sống nhờ vào rác. Rác ngập cả lối đi, “tài sản duy nhất của chú” – ông cười nói thế. Khi ông dắt tôi vào trong, tôi phải đạp lên từng đống rác nhờn nhợt, bao lần suýt ngã. Hàng xóm thương, cho ông thứ gì móc ở cửa rồi ông ra lấy. Hàng ngày đi gom rác, tối về ông lại cùng với ánh đèn bé xíu phân loại, dồn vào bao chất rồi dành đó, nhiều thì xe vô gom. “Mình để dành bán một lần có nhiều tiền hơn tí đỉnh, để sống chớ con”- ông cười chia sẻ câu chuyện với chúng tôi.

Trước cổng nhà ông Phương

Chỉ có điều, khi nhắc về con cái. Đang vui, ông chùng xuống nước mắt đã ở lưng chừng. “Ông bỏ dở câu chuyện đời mình, như một vết cắt lâu năm vô tình trầy xước. “Mấy đứa tới thăm chơi vui rồi, có quà tết rồi”. Chúng tôi rời con hẻm đêm 28 Tết Giáp Thìn. Con hẻm bé tí, không đủ sáng. Chút ánh sáng hắt ra từ cái bóng đèn năng lượng, soi đủ đầy bóng người đàn ông gầy còm, với mái tóc dài bạc trắng chưa kịp cắt. Ổ bánh mì còn treo lơ lửng trên cánh cửa ngôi nhà rác của ông Phương, vài tiếng chó sủa trong đêm đứt quãng khi thấy bóng người.

Ánh sáng duy nhất nơi ông Phương trú ngụ.

Ước mơ… cái tủ thờ

Được cô Nhung (Hội khuyến học xã Hàm Chính), dẫn đường, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quý Dương (thôn An Phú) 75 tuổi. Ông Dương cũng chẳng khác gì ông Tôn, ông Phương… quạnh quẽ với chính mình. “Chú tội lắm, sống một mình nhưng siêng năng, trồng trọt đủ thứ, xung quanh nhà rồi đem bán. Mà có đất rộng gì đâu, vài bụi sả, bụi riềng, vài cây dừa, cây ớt, vậy thôi đó”.

ông Dương - 35 năm dơn độc

Đúng như những gì cô Nhung nói, chúng tôi đến khá muộn. Căn nhà tình thương của chính quyền hỗ trợ cho ông cũng đã có vết thời gian, chừng mười mấy mét vuông. Ông Dương may mắn được chính quyền quan tâm thi thoảng được hỗ trợ quà cáp từ các đoàn thể. Thế nhưng, nghèo vẫn bám lấy, dù ông có nỗ lực đến mấy. “Cứ năm bảy ngày chú cắt ớt, nhổ gừng, riềng mang xuống chợ Phan Thiết bán, được vài chục ngàn đồng, rồi chợ búa ăn trong mấy ngày” – ông Dương chia sẻ.

“Nhiều lúc trên đường về, chú thèm một tô phở nhưng không dám ăn. Một tô phở hết mấy chục ngàn đồng, để dành nó mua cá ăn được vài ngày”. Ông Dương kể chuyện mình trong sự chắt chiu của đời người đàn ông cô độc đã bước vào tuổi 75.

35 năm trước, ông Dương có gia đình, có 3 người con nhưng đoạn đường hạnh phúc ấy chỉ vỏn vẹn trong 10 năm. Vợ con ông để lại ông ở quê, trên mảnh đất quê hương này, bặt tăm đến giờ. Không một lần về thăm, không một lần mong ngóng tin ông. Có chăng chỉ là nỗi nhớ của riêng ông, “nói ngay thì có đứa út thi thoảng gửi cho vài trăm ngàn, là vui lắm rồi. Chú còn làm được”. Ông Dương dậy từ 4 giờ sáng, uống hớp trà rồi lại chăm chút những khóm cây quanh căn nhà nhỏ. Với đủ loại rau, mỗi thứ một ít. Niềm vui của ông cũng chính là sự sống cuối đời của ông vỏn vẹn ở đó.

Cuộc trò chuyện bỗng nhiên chùng xuống, ông nói nhỏ: “Biết mong ước của chú bây giờ là gì không?”, tôi còn chưa định hình, chú bảo: “Là cái tủ thờ, không biết bao giờ mới có đủ tiền mua được chiếc tủ thờ, thờ cha mẹ”. Lúc này, chú mới mở cánh cửa, gia tài của ông hiện hữu là cuốc xẻng và vài chiếc ghế nhựa màu xanh. Hình thờ của cha mẹ, ông đặt trên viên gạch 20 vuông, chơ vơ như thế. Bất giác ông lại khóc: “Mỗi khi giỗ chú chỉ có thể mua hộp bánh xèo, bánh hỏi để lên thôi, muốn làm bữa cơm cúng cha cúng mẹ mà chỗ đâu để, mình giận mình những lúc đó” – ông cúi xuống như cố giấu đi nỗi cô quạnh cuối đời.

Cuốc trò chuyện đêm 29 Tết

Chúng tôi rời đi, để căn nhà nhỏ khuất sau bóng tối và hình ảnh người đàn ông một mình, nhỏ thó đối diện với ước mơ còn chưa thực hiện được. Ước mơ tưởng chừng là điều căn bản trong mỗi gia đình, nhưng với ông Dương lại là một điều xa vời, khó khăn.

Đoạn đường từ Hàm Chính về lại, những đêm giáp tết đường sá, xe cộ tấp nập, dặt dìu khác xa với phần đời của ông Dương. Mà nhìn lại, những người đàn ông này có chung một điểm, họ “đơn độc”. Đơn độc trong cuộc sống không vợ, con, đơn độc trong hành trình mưu sinh để chăm sóc người bên cạnh mình. Lầm lũi, không kêu than và cần mẫn dẫu có lúc mệt nhoài, muốn ngã quỵ. Vậy đó, hoàng hôn cuối ngày thật đẹp, nhưng “hoàng hôn” của một đời người, chẳng phải lúc nào cũng như một bức tranh huyền hoặc đẹp đẽ. Và ước mơ về chiếc tủ thờ của ông Dương, nó ám ảnh suốt đêm cuối cùng của năm cũ.

nhà tình thương của ông Dương

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hoang-hon-co-doc-117681.html