Hoàng giáp, Thượng thư Đinh Thúc Thông - Tấm gương hiếu học

Hoàng Giáp, thượng thư Đinh Thúc Thông (1442 - ?), người thôn Quán Vinh, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Ông làm ở Hàn lâm viện, Trực học sĩ, Án sát xứ Nghệ An, thăng đến chức Thượng thư Bộ hình.

Bia đá ghi tên Tiến sỹ Đinh Thúc Thông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Trong sách Văn Miếu Quốc tử giám và 82 bia Tiến sĩ có ghi: "Đinh Thúc Thông đỗ Tiến sĩ năm 1463, quê huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên". Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam cũng ghi: "Đinh Thúc Thông (1442 - ?) người xã Quán Vinh (Gia Viễn - Ninh Bình) đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận 4 (1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư". Ông thuộc hàm Tòng Nhị phẩm.

Theo Bài kí bia Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4, ông đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng giáp năm 1463. Năm đó có 15 người đỗ Hoàng giáp, trong đó có Đinh Thúc Thông. Số người dự thi khoa đó có 1.400 người. Sách Lịch huyện đăng khoa ghi ông đỗ năm 22 tuổi.

Đinh Thúc Thông xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Quán Vinh, huyện Gia Viễn, nay là thôn Quán Vinh, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Từ nhỏ ông đã phải đi làm thuê cho một gia đình giàu có ở làng Vũ Lăng (thuộc tổng Bình Lăng), huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Thừa tuyên Sơn Nam (nay thuộc xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Đây cũng là quê hương thứ hai của Đinh Thúc Thông.

Do thông minh, ham học nên chủ nhà đã cho ông cùng với các trẻ của chủ nhà được thầy đồ dạy học. Lớn lên ông đi thi Hương, đỗ Cử nhân. Năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), triều đình mở khoa thi Hội, ông trúng cách, được vào thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Sau đó, ông được bổ nhiệm vào làm việc ở Hàn lâm viện, giữ chức Hiệu lý làm nhiệm vụ hiệu lý kinh tịch, văn thư (phẩm trật Chánh Thất phẩm).

Tháng Chạp năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), ông được thăng lên làm Hàn lâm viện Trực học sĩ, là một chức quan cao cấp trong Hàn lâm viện, là cấp phó cho Hàn lâm viện Chưởng viện học sĩ, nhưng phẩm hàm ngang với Chưởng viện, thuộc hàm Chánh Tam phẩm, làm nhiệm vụ lãnh đạo Hàn lâm viện.

Cuối năm 1470, ông được cử làm Án sát xứ Nghệ An (Nghệ An - Hà Tĩnh), phụ trách việc kiện tụng, thanh tra, kiểm sát hành vi của quan lại địa phương. Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), ông và ba vị văn thần khác được vua Lê Thánh Tông cử làm quan độc quyển trong kì thi Đình, (người chấm các bài thi trong kì thi Tiến sĩ), chứng tỏ ông có trình độ học vấn uyên bác. Sau đó, ông được thăng đến chức Thượng thư, thuộc hàm Tòng Nhị phẩm, là chức quan cao cấp của triều đình.

Từ thân phận một người nghèo, phải đi làm thuê kiếm sống ở xa quê, nhưng Đinh Thúc Thông nỗ lực phấn đấu trong học tập và đạt đến chức quan cao cấp trong triều đình thể hiện tài năng và học vấn uyên thâm của ông.

Sau khi Đinh Thúc Thông mất, trên nền nhà cũ của cha mẹ ông, nhân dân xã Quán Vinh xưa đã xây dựng một ngôi miếu thờ ông vào thế kỷ XVI, nằm bên trái đường Tiến Yết, đối diện với chùa Quán Vinh khi đi vào Cố đô Hoa Lư. Người đứng ra hưng công xây dựng và cúng tiến ruộng đất, thu hoa lợi hàng năm xung vào việc cúng tế là Thiên hộ Đinh Bá Đạt, người họ Đinh ở xã Quán Vinh. Sau đó, đến năm 1606 đời vua Mạc Kính Cung, niên hiệu Càn Thống (1593-1625), triều Lê Kính Tông (1600-1619), niên hiệu Hoằng Định (1601-1619), Tiến sĩ Phạm Văn Quý là người cùng quê với Đinh Thúc Thông đã đứng ra xây dựng và tu sửa lại ngôi miếu thờ Đinh Thúc Thông.

Sang thời Nguyễn, Đốc học Phạm Viết Cao người xã Quán Vinh, đỗ Cử nhân khoa Tân Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821) đã cùng dân làng Quán Vinh đóng góp công tu sửa miếu Đinh Thúc Thông to đẹp hơn. Mười chín năm sau, năm Canh Tý (1840), Ông Tú Mềm Phạm Viết Tạo là Trưởng nam của Đốc học Phạm Viết Cao đã đứng ra xây dựng lại miếu thờ Đinh Thúc Thông bằng đá. Bảy mươi năm sau nữa, con trai cả Phạm Ngẫu của Tú Mềm Phạm Viết Tạo lại tiếp tục tôn tạo miếu thờ Đinh Thúc Thông và khắc bia để lưu truyền.

Hiện nay, miếu thờ Hoàng giáp, Thượng thư Đinh Thúc Thông ở thôn Quán Vinh không còn. Thiết nghĩ, để tiếp tục tôn vinh và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, quê hương, các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội cần chung tay góp sức xây dựng lại miếu thờ Đinh Thúc Thông làm nơi giáo dục truyền thống hiếu học, cổ vũ, động viên con em quê hương noi gương Đinh Thúc Thông nhà nghèo, nhưng quyết tâm rèn chí, luyện tài, phấn đấu vươn lên trong học tập và cống hiến tài năng cho quê hương, đất nước.

Lã Đăng Bật

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoang-giap-thuong-thu-dinh-thuc-thong-tam-guong-hieu-hoc/d20240402142416540.htm