Hoàng Đình Giong, người con yêu nước, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu cảnh nô lệ lầm than, từ thuở nhỏ, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, ghét thực dân đế quốc. Ông là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng và bồi dưỡng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Nà Toàn, về sau chuyển sang Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng rất thông minh và hiếu học, chứng kiến cảnh đồng bào sống trong cảnh áp bức, bóc lột, tinh thần yêu nước trỗi dậy trong con người Hoàng Đình Giong nên ngay từ những năm 1923-1924, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước ở Thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và huyện Hà Quảng.

Những năm 1925-1926, đồng chí về Hà Nội học Trường Bách nghệ và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh.

Cũng chính vì những hoạt động yêu nước sôi nổi, cậu học trò Hoàng Đình Giong lúc đó bị đuổi học, trở về Cao Bằng và tại đây, đồng chí càng thêm tích cực tham gia tuyên truyền cách mạng tại quê nhà.

Người con yêu nước Hoàng Đình Giong

Năm 1927, chàng thanh niên Hoàng Đình Giong quyết định ra nước ngoài hoạt động. Và năm 1928, đồng chí đã được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khát khao cháy bỏng giải phóng quê hương ngày một bùng cháy dữ dội trong trái tim của người thanh niên yêu nước Hoàng Đình Giong.

Tháng 12-1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được bầu làm Bí thư Chi bộ Hải ngoại (Long Châu - Trung Quốc), gồm 3 đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn và được bầu là Ủy viên Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Ngày 1-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Tháng 3-1935, đồng chí Hoàng Đình Giong được dẫn đầu đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ tham dự Đại hội lần thứ Nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trở thành ủy viên Trung ương Đảng khi mới 31 tuổi. Năm 1936, đồng chí được phân công trở lại vùng Duyên Hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) để hoạt động nhằm củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng.

Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

Sau một thời gian bị địch theo dõi các hoạt động tại Hải Phòng, ngày 04-02-1936, đồng chí Hoàng Đình Giong bị thực dân Pháp bắt, đưa về Cao Bằng xét xử và kết án 5 năm tù. Đồng chí bị thực dân giam cầm ở nhiều nhà tù, sau đó bị đày đi đảo ở Madagasca (một thuộc địa của Pháp ở châu Phi) cùng với 8 đồng chí đồng đội khác.

Mặc dù bị tù đày nhưng đồng chí Hoàng Đình Giong vẫn luôn thể hiện được tinh thần cách mạng triệt để và lập trường giai cấp vững vàng, lạc quan, tin tưởng vào cách mạng Việt Nam. Tháng 10-1944, đồng chí cùng với ba đồng chí khác là Lê Giản, Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam được không quân Anh chở máy bay nhảy dù xuống Cao Bằng. Và từ đây, Hoàng Đình Giong lại tiếp tục con đường, sự nghiệp cách mạng. Đồng chí được bầu là Trưởng Ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Cao Bằng.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, đồng chí được Bác Hồ đặt tên là Võ Văn Đức. Sau đó đồng chí được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam bộ đánh thực dân Pháp. Tiếp đó là Khu trưởng khu 9. Tháng 11-1946, đồng chí được lệnh ra Bắc, ra đến Ninh Thuận, được Ủy ban kháng chiến miền Nam chỉ định làm Tư lệnh khu 6. Tại đây, đồng chí đã họp hai ban chỉ huy Trung đoàn 81, 82 và cán bộ trong khu để nhận định tình hình trên chiến trường cực Nam Trung Bộ, từ đó đề ra chủ trương: Củng cố chính quyền và đoàn thể quần chúng; phát động chiến tranh du kích; vạch ra các kế hoạch hỗ trợ tổ chức giao thông liên lạc, thông tin thông suốt… công tác đang tiến triển thì vào khoảng giữa tháng 5-1947, địch tấn công bất ngờ vào chiến khu 7, đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Đồng chí hy sinh, trở thành tấm gương sáng sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, tiêu biểu cho đạo đức anh hùng cách mạng trong thời đại mới. Đồng chí Hoàng Đình Giong xứng đáng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998 Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, làm theo.

Thùy An

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoang-dinh-giong-nguoi-con-yeu-nuoc-hoc-tro-xuat-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh/813137.antd