HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI TRÌNH: CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM TẬP THỂ, CÁ NHÂN NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Trách nhiệm giải trình của Chính phủ là hoạt động gắn liền với quá trình Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát. Việc hoàn thiện pháp luật nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ cần phải bám sát quan điểm, định hướng của Đảng để xác định rõ trách nhiệm tập thể, các nhân người đứng đầu trong cơ quan Nhà nước.

Chính phủ có trách nhiệm báo cáo và giải trình trước Quốc hội về việc tổ chức thi hành pháp luật

Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về trách nhiệm giải trình, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội: Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó (Điều 77 Hiến pháp 2013); Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (Điều 94 Hiến pháp 2013). Như vậy, theo quy định của Hiến pháp, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo và giải trình trước Quốc hội về việc tổ chức thi hành pháp luật trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo, giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tiếp đó, trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ quy định “Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 29 Luật Tổ chức Chính phủ)”, “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm (Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ)”, “ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 37 Luật Tổ chức Chính phủ)”, “Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách. Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội).

Bên cạnh đó, tại Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định “Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao (khoản 5 Điều 3) và “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình (khoản 1 Điều 15)”.

Đặc biệt, trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong đó có Chính phủ được làm rõ và quy định xuyên suốt Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong đó có giải thích khái niệm “giải trình” tại khoản 8 Điều 2 “Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát quy định”.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách

Các quy định về trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Quốc hội thực hiện quyền giám sát việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, tạo cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, góp phần nâng cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ. Tuy nhiên, giải trình là chế độ của tập thể Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Do vậy, còn khó khăn trong xác định trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Theo TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, trên thực tế, Chính phủ ngày càng thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình của mình với việc cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời những báo cáo, tài liệu, hồ sơ… khi trình Quốc hội tại các kỳ họp cũng như phục vụ các hoạt động giám sát khác của Quốc hội. Tuy nhiên, có thể thấy một điểm còn hạn chế trong trách nhiệm giải trình với ý nghĩa là việc chịu trách nhiệm chính trị của Chính phủ và các thành viên Chính phủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Điều 21 Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, trong đó “Căn cứ vào kết quả giám sát, Quốc hội có thẩm quyền sau đây:

… 3. Miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ truổng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

4. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn..”

Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm ở đây chỉ bao gồm trách nhiệm của từng cá nhân thành viên Chính phủ mà chưa có quy định xem xét trách nhiệm giải trình của tập thể Chính phủ trước Quốc hội. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia

Nghiên cứu về nội dung này, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, cần xác định trách nhiệm tập thể Chính phủ cũng như trách nhiệm mỗi cá nhân về những lĩnh vực quản lý của mình sau khi phát hiện các vấn đề vi phạm sau giám sát. Hoạt động trả lời chất vấn là để làm rõ trách nhiệm cá nhân của các chủ thể có thẩm quyền quản lý trước các vấn đề đặt ra của thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về chất vấn theo hướng, trước hết là xác định phạm vi trách nhiệm của người bị chất vấn; trên cơ sở nội dung chất vấn và phạm vi trách nhiệm người bị chất vấn phải giải trình; nếu người bị chất vấn không trả lời thỏa đáng tại kỳ họp thì sẽ bị quy kết, làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật nâng cao hiệu quả chế độ giải trình của Chính phủ, TS. Hoàng Thị Lan, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội cho rằng, quan điểm hoàn thiện pháp luật cần phải phù hợp với quan điểm của Đảng về việc xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu trong cơ quan Nhà nước.

Theo TS. Hoàng Thị Lan, báo cáo, giải trình là chế độ của tập thể Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật nâng cao chế độ báo cáo, giải trình của Chính phủ cần phải bám sát quan điểm, định hướng của Đảng để xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể:

TS. Hoàng Thị Lan, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội

Ngày 25.10.2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08 – QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó có nội dung yêu cầu Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu, nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Đồng hành với trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là việc đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu các cơ quan chuyên môn của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về kết quả nhiệm vụ trước Quốc hội, trước Nhân dân và cử tri.

Tiếp đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra vấn đề tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức được nhấn mạnh. Đây được xem như giải pháp cốt yếu để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.

Có thể thấy, quyền giám sát cảu Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ là hai mặt của một vấn đề với mục tiêu thống nhất là bảo đảm cho việc thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền lực Nhân dân mà Quốc hội là người đại diện. Do đó, để nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội cần gắn với việc làm rõ hệ quả của trách nhiệm giải trình, rõ trách nhiệm chính trị, pháp lý của tập thể, cá nhân có nghĩa vụ giải trình./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85119