Hoàn thiện hệ thống văn bản đẩy nhanh chuyển đổi số

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) trao đổi việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục...

Ứng dụng hiệu quả CNTT giúp giáo viên giảm gánh nặng từ sổ sách.

Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đặt ra từ nhiều năm. Điều này tác động thế nào đến hoạt động dạy - học thời gian qua, thưa ông?

- Những năm gần đây, ngành Giáo dục quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động giảng dạy. Việc này đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.

Từ mô hình lớp học tập trung dần chuyển sang dạy học trực tuyến, sử dụng CNTT và truyền thông để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập. Qua đó, người học có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc; có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đặt ra từ nhiều năm. Tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Tiếp đến, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Qua đó, giáo dục và đào tạo đã trở thành 1 trong 8 ngành/lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Đây là những cơ sở và động lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, sản phẩm cho giáo dục được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cũng là tiền đề tạo cơ chế cho việc ứng dụng rộng rãi tại các nhà trường, đơn vị giáo dục và đào tạo.

- Xin ông cho biết rõ hơn về Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”?

- Mục tiêu chung của đề án là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học; hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước; hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập.

Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục, 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành Giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả, trong đó cơ sở dữ liệu toàn ngành được hoàn thiện, kết nối thông suốt với tất cả cơ sở giáo dục; đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số. Hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến quốc gia tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông.

Giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỷ trọng 30% quy mô; 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo hình thức từ xa, trực tuyến; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT.

Bước tiến quan trọng

- Thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ, việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả thế nào?

- Thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ của đề án. Thời gian qua, kết quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT nói riêng, ngành GD-ĐT nói chung đã đạt một số kết quả quan trọng.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính...) và tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT.

Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe…), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Thực hiện Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Ứng dụng CNTT phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai với toàn ngành. Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Bộ GD&ĐT đang nâng cấp, mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông, cung cấp miễn phí cho các sở, phòng với Bộ GD&DT phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành Giáo dục, đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành. Bộ cũng xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông.

Bộ GD&ĐT sẽ sớm triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.

Chuyển đổi số trong giáo dục đã đạt được nhiều thành tích.

Theo dõi, đánh giá khách quan kết quả chuyển đổi số

- Bộ GD&ĐT vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Xin ông cho biết rõ hơn về tiêu chí của bộ chỉ số này?

- Mục đích của bộ chỉ số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục, theo dõi, đánh giá khách quan, thực chất, công bằng kết quả chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục. Phát hiện các điển hình, mô hình chuyển đổi số làm tốt để nhân rộng, tạo phong trào thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành.

Bộ chỉ số bám sát yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022, các quy định liên quan về chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT.

Bộ chỉ số phù hợp điều kiện thực tế các cơ sở giáo dục, bảo đảm đánh giá thực chất, khách quan, minh bạch, công bằng. Bộ chỉ số có tính mở, có thể cập nhật phù hợp với tình hình thực tế theo từng năm học. Có tính thực tiễn, khả thi trong áp dụng.

Bộ chỉ số gồm 2 nhóm tiêu chí: “Chuyển đổi số trong dạy, học” và “Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục”.

Mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần, thang điểm tối đa là 100, mỗi nhóm tiêu chí được đánh giá ở ba mức độ:

- Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

- Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt từ 50 đến 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đã đáp ứng yêu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

- Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt trên 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số.

Hằng năm, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số (có thể lồng ghép vào kế hoạch chung ứng dụng CNTT), phân công và giao trách nhiệm thực hiện cụ thể.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phê duyệt kết quả tự đánh giá; báo cáo kết quả đánh giá lên cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cập nhật kết quả tự đánh giá lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục trước ngày 31/5 hằng năm.

Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài và công nhận mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp; cập nhật kết quả đánh giá trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục trước ngày 20/6 hằng năm; công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoan-thien-he-thong-van-ban-day-nhanh-chuyen-doi-so-post636955.html