Hoài Đức: Bao giờ hết cảnh 'sống chung' với ô nhiễm?

Nhiều năm trở lại đây, người dân ở một số xã có làng nghề của huyện Hoài Đức vẫn phải 'sống chung' với ô nhiễm môi trường.

Thực tế, các cấp chính quyền đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng do sản xuất làng nghề nhỏ lẻ, một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật về môi trường nên hành vi xả rác, nước thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra hằng ngày...

Rác thải chất thành đống trên một tuyến đường giao thông tại xã La Phù (huyện Hoài Đức).

Rác thải chất thành đống trên một tuyến đường giao thông tại xã La Phù (huyện Hoài Đức).

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân

Ngày 15-9-2023, có mặt ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy môi trường sống của người dân địa phương đang bị ô nhiễm nặng bởi mùi hăng hắc, khét lẹt của sơn và hóa chất bị đốt cháy từ các cơ sở sản xuất thường xuyên bốc lên.

Trò chuyện với ông Lê Văn Hải - một người dân địa phương, được biết xã Sơn Đồng có nghề tạc tượng và làm sơn thếp truyền thống. Vì đặc thù công việc và do thiếu mặt bằng sản xuất nên hiện nay phần lớn các cơ sở vẫn chiếm dụng vỉa hè, hành lang giao thông để tập kết nguyên liệu và chế tác, giới thiệu sản phẩm. Hằng ngày, tiếng cưa, tiếng đục vang lên chát chúa khắp xóm làng, khiến người già, trẻ em không thể yên giấc, học tập. Không chỉ vậy, nhiều cơ sở còn trực tiếp xả thẳng nước thải có hóa chất chưa qua xử lý ra khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Cách đó không xa, ở xã Dương Liễu, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường cũng diễn ra phức tạp. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Tiến Quảng, hiện xã có khoảng 40 hộ sản xuất miến dong và gần 50 cơ sở sản xuất bún khô. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất vẫn có hành vi xả trực tiếp nước thải chưa qua bể lắng ra hệ thống thoát nước chung của xã. Đáng nói hơn, do hệ thống thoát nước của xã chảy thẳng ra kênh T2 (là nguồn cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho các xã lân cận) nên nhiều năm nay, nước kênh đổi màu đen kịt và đóng váng, không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tại xã La Phù, bên cạnh việc hoạt động sản xuất của làng nghề gây tiếng ồn thì tình trạng xả rác bừa bãi còn diễn ra phổ biến. Do lưu cữu lâu ngày không được di chuyển đến nơi xử lý, hiện lượng rác tồn đọng đã chất thành đống. Để khắc phục tình trạng ruồi, nhặng và mùi hôi thối bay vào nhà ở, người dân sống gần bãi chất thải phải dùng lửa đốt rác, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại đâu vào đấy.

Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Hiện trên địa bàn huyện Hoài Đức có 12 làng nghề với hàng trăm xưởng sản xuất ở các quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Làng nghề phát triển tạo nhiều việc làm cho người lao động. Thế nhưng, do việc sản xuất của các cơ sở, hộ gia đình ở các làng nghề tập trung trong khu dân cư nên gây tác động xấu đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân.

Để giải quyết tình trạng này, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Lê Thanh Trường cho biết, thời gian qua, huyện Hoài Đức đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm về môi trường. Theo đó, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 43 cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực làng nghề, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với số tiền 155 triệu đồng; đồng thời, yêu cầu ký cam kết không xả rác, nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống kênh mương. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng là khi đoàn kiểm tra rời khỏi hiện trường, các cơ sở sản xuất lại tái diễn vi phạm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Thanh Bình, nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường hiện còn bất cập. Từ đó, nhận thức về pháp luật của người dân và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao. Sản phẩm của các làng nghề chủ yếu phục vụ đối tượng bình dân, khó cạnh tranh trên thị trường nên lợi nhuận thấp cũng dẫn đến việc các cơ sở sản xuất không quan tâm, ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Tiến Quảng cho biết, để giải quyết tình trạng tùy tiện xả chất thải chưa phân loại, xử lý ra môi trường, cuối năm 2022, UBND xã Dương Liễu đã yêu cầu các cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống bể lọc bùn đất, vỏ, bã nông sản trước khi xả thải ra môi trường. Chính quyền xã cũng áp dụng biện pháp mạnh là ngừng cấp điện đối với cơ sở không chấp hành yêu cầu nêu trên.

Theo tìm hiểu được biết, để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, ngoài việc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải với Hợp tác xã Thành Công, huyện Hoài Đức cũng tập trung xây dựng nhà máy xử lý chất thải ở các xã Dương Liễu, Sơn Đồng, Vân Canh. Tuy nhiên, hiện tại mới có nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (ở xã Dương Liễu) đi vào hoạt động nên chưa đáp ứng nhu cầu xả thải của các địa phương.

Trước tình hình xả rác, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn phức tạp, thiết nghĩ huyện Hoài Đức cũng như các địa phương có làng nghề cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường. Về lâu dài, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch địa điểm xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề nhằm thu hút, di dời các cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoai-duc-bao-gio-het-canh-song-chung-voi-o-nhiem-642350.html