Hóa thân thành... ngư dân

Mới 6 giờ sáng, anh Hoàng Khang (TP. Huế) đã rục rịch chuẩn bị mũ nón, nước uống. Hẹn với bạn tập trung trước Phu Văn Lâu, sau hơn một giờ đồng hồ di chuyển, anh cùng nhóm bạn của mình đã có mặt tại xã Phong Hải (Phong Điền) để chuẩn bị cho chuyến trải nghiệm biển thú vị.

Du khách thích thú với thành quả của chuyến thả lừ

Đổi gió

Anh Khang cho biết: “Công việc của mình suốt ngày ngồi trước máy tính, vì vậy mình rất muốn được “đổi gió” bằng cách trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị và giải tỏa căng thẳng”. Cùng với những người bạn của mình, anh Khang đã đăng ký dịch vụ câu cá thư giãn bằng thuyền câu của anh Võ Ngọc Bắc.

Chài lưới là nghề truyền thống của rất nhiều gia đình tại vùng biển Phong Hải. Vào mùa hè, lúc biển êm, cũng như bao ngư dân khác, mỗi ngày anh Võ Ngọc Bắc cùng cha và bác ruột ngược sóng ra biển để câu cá, mực. Gần đây, nhận thấy nhiều du khách muốn trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển để câu cá, đồng thời tận hưởng không gian trong lành của vùng biển này, anh đã nhận thêm dịch vụ chở khách trải nghiệm dịch vụ câu cá, bắt mực trên biển.

Anh Bắc chia sẻ: “Dù dịch vụ chỉ mới ra đời hơn hai tuần, mình đã đón ba đoàn khách tham gia hoạt động này. Ngoài trang bị đầy đủ dụng cụ, áo phao, mình sẽ chia sẻ với du khách cách nhìn trời, nhìn nước và kinh nghiệm để câu cá, câu mực thành công”.

Với đồ nghề bao gồm cần câu, lừ bắt mực, thông thường mỗi chuyến đi, anh Bắc sẽ điều khiển thuyền chạy xa bờ xấp xỉ 4 - 5km. Du khách sẽ được anh hướng dẫn cách mở lừ, thả lừ cũng như kỹ thuật dẫn dụ mực vào lừ, cách buông cần và chuyển động nhịp nhàng để câu cá.

Bữa ăn trên biển

Lên thuyền lúc 8 giờ sáng, sau khoảng mười phút rẽ sóng, anh Bắc và đoàn khách của anh Khang đã đến khu vực nước nhiều cá, mực. Từ thuyền nhìn vào bờ, cây cối, làng mạc vẫn rõ hình nhưng nước đã sâu cả mươi sải tay. Ở đây, sóng biển chỉ nhấp nhô, thi thoảng con thuyền mới chao đảo bởi một vài con sóng lớn.

Theo kinh nghiệm của anh Bắc, thời điểm tháng 6, tháng 7 hàng năm được mùa nhất là cá trích, cá nục, cá hố, cá xước, cá ngân, cá đù. Còn với mực thì nhiều nhất vẫn là mực lá. “Với chiếc lừ được che bởi lá đùng đình, chỉ cần dụ mực bằng một chùm trứng, mực sẽ tự động vào lừ. Bởi thế không chỉ mình, nhiều ngư dân cũng dùng lừ để đánh bắt mực. Chỉ với 20 chiếc lừ, mỗi chuyến biển có thể thu về 3 - 5kg mực, nếu gặp may thì nhiều hơn nữa”, anh nói.

Sau khi thả lừ hơn một tiếng đồng hồ, anh Bắc và đoàn khách thu lừ. May mắn đoàn khách của anh Khang đã bắt được những con mực khá to. Anh Khang phấn khích: “Lâu giờ ăn mực mình không hề nghĩ tới việc có ngày sẽ được chứng kiến cảnh bắt mực, cầm trên tay những con mực lá còn tươi rói, da óng ánh như thế này. Còn cả cá nữa, chỉ cần dây câu và kỹ thuật anh Bắc chỉ cho, mình đã có thể câu một lượt 4 – 5 con cá. Thật sự chuyến đi này rất mới lạ, rất vui và thú vị với mình”.

Còn với anh Nguyễn Ngọc Quý, một khách trải nghiệm khác thì những kinh nghiệm từ ngư dân và dư âm từ chuyến đi để lại ấn tượng nhiều hơn cả. Đặc biệt, anh còn được trải nghiệm thưởng thức ẩm thực tươi ngon ngay trên thuyền khi lênh đênh trên biển.

Anh Quý nói: “Mình rất khâm phục vì dù còn trẻ nhưng nhiều ngư dân nơi đây rất lành nghề. Với mình, thú vị và khó quên nhất là được thưởng thức hải sản do chính tay mình đánh bắt ngay tại thuyền. Quả thật niềm vui và cảm xúc vô cùng đặc biệt”.

Bằng những nguyên liệu muối mắm gần gũi nhất, nhưng với khung cảnh trời nước bao la và hoạt động đánh bắt vất vả, bữa ăn nóng hôi hổi cùng cá, mực tự tay bắt đã mang đến mùi vị hấp dẫn khó cưỡng cho du khách. Không chỉ trải nghiệm đặc trưng làm nghề của ngư dân bám biển, du khách còn được thỏa thích vẫy vùng với cảm giác dập dềnh trên sóng nước dưới ánh mặt trời huy hoàng.

Là dịch vụ du lịch tự phát nhưng hấp dẫn, thiết nghĩ về lâu dài, địa phương nên triển khai quy hoạch hoạt động du lịch trải nghiệm này một cách bài bản. Để không chỉ các chủ thuyền được tập huấn kỹ năng đảm bảo an toàn, kỹ năng chế biến thức ăn mà còn góp phần quảng bá, hướng dịch vụ câu cá, bắt mực thư giãn trở thành dịch vụ chuyên nghiệp, góp phần thu hút thêm du khách đến vùng biển Phong Hải.

Bài: Tuệ Lâm - Ảnh: Ngọc Bắc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/hoa-than-thanh-ngu-dan-129307.html