Họa sĩ Tèo Phạm: Nghệ thuật cần cảm nghiệm bằng mọi trạng thái và giác quan

Với cái tên độc đáo 'Còn lại gì phía sau trực tràng? - Chương 2: Cuộc bài tiết vĩ đại', Tèo Phạm mời gọi khán giả khám phá thế giới nghệ thuật bằng nhiều cách: đứng, ngồi, lăn, lê, bò, toài để cảm nhận các tác phẩm một cách trọn vẹn.

Khán giả vén rèm để cảm nhận tác phẩm “Căn phòng thú tội chật hẹp”. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Khán giả vén rèm để cảm nhận tác phẩm “Căn phòng thú tội chật hẹp”. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Họa sĩ Tèo Phạm tên thật là Phạm Văn Vũ, sinh năm 1996 tại tỉnh Lâm Đồng. Sau này, anh theo gia đình chuyển tới Đà Lạt sinh sống. Năm 2020, Tèo tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về triển lãm, Tèo Phạm cho hay: “Tôi để dành rất nhiều khoảng trống trong các tác phẩm của mình. Tôi muốn người xem tương tác nhiều hơn với chúng, cảm nhận chúng bằng mọi trạng thái, giác quan để nhớ lâu và hiểu hơn về nghệ thuật”.

Một phần của không gian triển lãm.

Một phần của không gian triển lãm.

Đây là lần đầu tiên Tèo Phạm mở triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Trước đó, anh từng để lại nhiều ấn tượng với công chúng khi tham gia các hoạt động triển lãm nhóm và cá nhân như: “Cũ người mới ta” (2020), “Còn lại gì phía sau trực tràng? - Chương 1: Bữa tiệc của hệ tiêu hóa” (2021), “Tỏa V” (2022), “Ủa? Vì sao tôi lại ở đây?” (2023).

Bên cạnh đó, Tèo Phạm cũng thử sức với vai trò giám tuyển và đồng giám tuyển cho một số dự án như: “The Beginning” (2020), “Cũ người mới ta” (2020).

Chân dung họa sĩ Tèo Phạm.

Chân dung họa sĩ Tèo Phạm.

Xuất thân là một họa sĩ biếm họa, Tèo khai thác các chủ đề theo cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu cay. Anh hướng tới lối sáng tác tự nhiên, chủ ý không can thiệp nhiều về mặt nội dung hay gò bó về mặt kỹ thuật.

Tiếp nối “Chương 1: Bữa tiệc của hệ tiêu hóa”, phần tiếp theo của chủ đề “Còn lại gì phía sau trực tràng?” Tèo khai thác quá trình sáng tác của mình như một cuộc bài tiết tinh thần. Lấy cảm hứng từ hai nhà triết gia Martin Heidegger và Friedrich Nietzsche, Tèo xem nghệ thuật là nhật ký lưu giữ cảm xúc. Anh muốn kháng cự lại guồng quay của sự tiêu thụ thông tin đối với những sản phẩm sáng tạo.

Trong vô thức, con người có thể tiếp nhận và “tiêu hóa” những tác phẩm ngày càng nhanh và nhiều hơn. Điều này dẫn tới hệ quả là năng lực cảm thụ hội họa của công chúng có nguy cơ chỉ dừng lại ở bề mặt thị giác. Nỗ lực tách mình khỏi vòng xoáy ấy, Tèo chọn cách chậm lại để điều hòa nhịp sáng tác của mình và cảm nhận rõ hơn tinh thần của vạn vật.

Mô hình “Căn phòng thú tội chật hẹp” thu hút nhiều khán giả đến tương tác và trải nghiệm.

Mô hình “Căn phòng thú tội chật hẹp” thu hút nhiều khán giả đến tương tác và trải nghiệm.

“Khi vẽ, tôi không hướng đến bất cứ ý nghĩ hay chủ đích nào. Vô thức đã dẫn dắt tôi xuyên suốt quá trình sáng tác. Đặt tên là khâu cuối cùng mà tôi thực hiện sau khi đã hoàn thành tác phẩm, song nó cũng chỉ là suy nghĩ của riêng tôi. Khán giả có quyền gọi tên chúng theo cảm nhận của riêng mình”, họa sĩ cho biết thêm.

Triển lãm kéo dài hết ngày 13/8 tại Mơ Art Space, số 136 Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoa-si-teo-pham-nghe-thuat-can-cam-nghiem-bang-moi-trang-thai-va-giac-quan-post761648.html