Họa sĩ diễn hoạt và bản quyền tác phẩm được thuê làm

'Luật Bản quyền áp dụng cho các 'tác phẩm được thuê làm' (work for hire – WFH) như thế nào? Liệu tôi có được sở hữu dự án hoạt hình mà khách hàng thuê tôi làm cho họ không?'… là những vấn đề mà một họa sĩ diễn hoạt phim hoạt hình làm việc tự do (freelance) hay người chủ studio hoạt hình phải biết. Bài viết này đề cập sâu chuyện bản quyền đối với tác phẩm hoạt hình được thuê làm và quyền sử dụng hợp lý bản quyền (fair use) trong lĩnh vực hoạt hình.

Bất kể là hoạt động trong phạm vi quốc gia qua kênh phân phối riêng trên mạng xã hội, nhận thầu từ các công ty hoạt hình quốc tế hay làm freelancer (nhân viên tự do) cho các dự án cả ở trong và ngoài nước, đội ngũ họa sĩ diễn hoạt (animators) Việt Nam đều đã để lại dấu ấn riêng trên thị trường hoạt hình toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình vươn ra khẳng định vị thế với thế giới bên ngoài, ngoài tài năng của bản thân họ thì việc trau dồi kiến thức về luật bản quyền quốc tế cũng là điều vô cùng cần thiết.

Ở cương vị lãnh đạo studio, phần lớn thời gian bạn sẽ phải làm việc với nhiều khách hàng khác nhau trên cơ sở hợp đồng, thực hiện các dự án phản ánh đúng tầm nhìn và mục tiêu mà họ đặt ra. Mặt khác, bạn cũng muốn tự triển khai các dự án do chính studio lên ý tưởng, qua đó khẳng định thế mạnh và thể hiện năng lực tốt nhất của studio trước khách hàng tiềm năng hoặc để có thêm nhiều người biết đến thương hiệu hoạt hình của bạn. Do đó, bản quyền hoạt hình có thể là một lĩnh vực khó nắm bắt, bất kể bạn đang giám sát cả một đội ngũ hay chỉ hoạt động độc lập một mình.

Xác định bản quyền đối với WFH

Việc ai là người sở hữu bản quyền đối với tác phẩm được thuê làm phụ thuộc vào các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng thuê thực hiện tác phẩm hoạt hình mà bạn (hay khách hàng) quy định. Cả hai bên trong hợp đồng phải nắm được ai có quyền sở hữu tác phẩm gốc. Vậy nên bạn rất cần ngồi với khách hàng để đàm phán, lập một thỏa thuận xác định đây là một tác phẩm thuê làm với những điều khoản và điều kiện như sau: Thỏa thuận này phải được ghi rõ trong hợp đồng và phải bao gồm cụm từ “tác phẩm được thuê làm”. Dự án được ghi rõ là do khách hàng trong lĩnh vực hoạt hình thuê làm. Dự án sẽ đóng góp vào một tác phẩm tập thể, là một phần của một bộ phim hoặc tác phẩm nghe nhìn khác.

Nếu có một thỏa thuận như vậy thì bản quyền đối với dự án sẽ thuộc về khách hàng, tức là bạn không thể bán tác phẩm cho khách hàng khác hoặc sử dụng lại nó trong các dự án khác.

Tuy nhiên, nếu không có những điều khoản và điều kiện này, thì bạn sẽ sở hữu bản quyền hoạt hình trong vai trò người sáng tạo. Ngoài ra, bạn có quyền trình chiếu tác phẩm đó trên mạng để quảng bá doanh nghiệp hoạt hình của mình hoặc bạn có thể đưa tác phẩm hoạt hình vào danh mục sản phẩm của studio, vì chúng cũng có thể được coi là một hình thức “tài sản trí tuệ” – những sự đổi mới và ý tưởng sáng tạo sinh ra từ tâm trí của bạn. Việc trình chiếu tác phẩm cũng cần được thống nhất về thời gian và cách thức, tránh người thuê/khách hàng phàn nàn về thời điểm công bố, thậm chí kiện bên được thuê ra tòa vì công bố chưa được phép.

Nếu một studio áp dụng chính sách WFH tương tự và bạn là nhân viên của studio đó, thì studio sẽ sở hữu bản quyền đối với sản phẩm hoạt hình do bạn làm ra. Ngược lại, bạn ở cương vị chủ sở hữu studio và tuyển dụng một đội ngũ các họa sĩ diễn hoạt, bạn sở hữu dự án hoạt hình mà đội ngũ này thực hiện. Đương nhiên là lúc nào bạn cũng có thể đàm phán với khách hàng về bản quyền hoạt hình, thường là dưới hình thức phân loại (hoặc chia nhỏ) bản quyền đối với dự án theo phương tiện, thời gian, thị trường và khu vực.

Ví dụ, bạn có thể cấp cho khách hàng các quyền đối với tệp gốc của tác phẩm hoạt hình, trong thời hạn cụ thể, và họ chỉ được sử dụng các tệp này để quảng cáo tại Bắc Mỹ. Nếu họ muốn có thêm nhiều quyền hơn, chẳng hạn như sử dụng tác phẩm đó ở các khu vực khác, thì hai bên có thể đàm phán lại với nhau.

Khi nào việc sử dụng bản quyền được coi là hợp lý?

Trong khi đang lên ý tưởng cho dự án hoạt hình của mình, bạn – trong vai trò là người họa sĩ – có thể sẽ có lúc nghĩ đến việc vay mượn trực tiếp ý tưởng, khái niệm, bản nhạc nền hay tạo hình nhân vật từ một dự án của người khác để sử dụng lại trong sản phẩm của mình. Điều này cũng không hẳn là sai hoàn toàn, vì thực tế là hiện nay rất ít sản phẩm hoạt hình, và có thể nói là trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo nói chung, có thể được coi là nguyên bản 100% mà luôn có sự học hỏi, sao chép lẫn nhau. Tuy nhiên, bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ xem pháp luật cho phép bạn vay mượn những yếu tố gì, vì rất có thể khách hàng sẽ cho rằng bạn đã cố tình lạm dụng quyền “sử dụng hợp lý”- Fair use.

Tại Mỹ, sử dụng hợp lý được giải thích là cho phép cá nhân sử dụng tư liệu đã được đăng ký bản quyền trong một khoảng thời gian giới hạn mà không cần xin phép của chủ thể quyền trước khi sử dụng. Đồng thời, việc sử dụng cũng chỉ được coi là “hợp lý” nếu là nhằm nhận xét, phê bình hoặc giễu nhại tác phẩm có bản quyền cho mục đích giải trí, đưa tin, châm biếm hay giáo dục.

Nếu bạn được thuê tạo sản phẩm hoạt hình cho khách hàng sở hữu toàn bộ bản quyền hoạt hình hoặc sở hữu những nội dung cụ thể được tích hợp vào sản phẩm hoạt hình đó (chẳng hạn như nhân vật giả tưởng có vai trò là linh vật thương hiệu), thì bạn sẽ vi phạm quyền của họ nếu bạn sao chép toàn bộ hoặc vay mượn một số yếu tố trong tư liệu gốc mà không xin phép.

Đầu tiên, khách hàng sẽ gửi cho bạn thư yêu cầu bạn chấm dứt sử dụng tư liệu của họ trong các sản phẩm hoạt hình khác do bạn tạo ra. Nếu bạn phớt lờ yêu cầu này và vẫn sử dụng một hoặc nhiều yếu tố có bản quyền mà không xin phép, thì khách hàng hoàn toàn có quyền đâm đơn kiện bạn và vụ việc sẽ trực tiếp đến tay một tòa án liên bang của Mỹ.

Tại tòa án, bạn có thể viện dẫn mục đích sử dụng hợp lý để biện hộ trước khiếu nại xâm phạm bản quyền hoạt hình của khách hàng, mặc dù thẩm phán – chủ tọa mới là người có quyền quyết định xem lý lẽ biện hộ này có thuyết phục hay không. Khi nghiên cứu để quyết định xem dự án hoạt hình của bạn có được coi là sử dụng hợp lý hay không, thẩm phán sẽ cân nhắc các yếu tố sau đây:

Đổi mới hay sao chép. Dự án của bạn chỉ dựa trên nền tảng của tác phẩm gốc để xây dựng nội dung mới, độc lập hay đơn thuần sao chép y nguyên tác phẩm gốc đó?

Số lượng. Bạn tham khảo càng nhiều nội dung trong tác phẩm hoạt hình gốc, nguy cơ xâm phạm bản quyền càng cao. Ví dụ: nếu khách hàng yêu cầu bạn tạo hoạt họa về một chú chuột màu hồng biết hát, thì bạn sẽ vướng phải rắc rối nếu sử dụng chính nhân vật đó trong một dự án khác mà bạn được thuê làm.

Sự cạnh tranh với tác phẩm gốc. Về cơ bản, nếu bạn sao chép một hoặc toàn bộ thành phần của tác phẩm hoạt hình gốc để sử dụng cho một dự án khác, thì bạn đã tước đi quyền của khách hàng trong việc hưởng lợi ích tài chính từ tác phẩm gốc.

Phân loại. Tác phẩm của bạn có châm biếm, phê bình hay giễu nhại tác phẩm hoạt hình gốc không? Theo luật bản quyền, việc sử dụng tác phẩm hoạt hình gốc để bình luận về vấn đề xã hội, làm bài đánh giá hoặc chỉ đơn giản là chế nhạo tác phẩm đó (ở một mức độ nhất định) thì sẽ được coi là sử dụng hợp lý.

Nếu bạn là họa sĩ kiêm chủ sở hữu doanh nghiệp, việc khẳng định quyền sử dụng hợp lý không thành công có thể khiến uy tín doanh nghiệp bạn chịu tổn thất không thể bù đắp nổi, cộng với nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng lâu năm. Do đó, nếu có ý định sử dụng tư liệu đã đăng ký bản quyền cho dự án hoạt hình của mình, điều trước tiên mà bạn nên làm là xin phép chủ sở hữu.

Trong bối cảnh ngành làm phim hoạt hình ở Việt Nam đang trên đà phát triển thuận lợi, bạn nên tự trang bị cho mình tài sản quý báu là kiến thức vững chắc về bản quyền quốc tế. Khi đã đúc rút được những thông tin chuyên sâu về khía cạnh này của ngành, các họa sĩ tại Việt Nam có thể tự tin hoạt động trên thị trường toàn cầu hiệu quả hơn và tận dụng được hết tiềm năng từ các sản phẩm sáng tạo của họ.

Hữu An - Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hoa-si-dien-hoat-va-ban-quyen-tac-pham-duoc-thue-lam/