Hòa nhịp cùng đội tuyển

Hòa nhịp cùng những trận đấu quyết liệt của đội tuyển Việt Nam nơi 'tiền tuyến' Asian Cup 2023, nhiều câu lạc bộ (CLB) nơi 'hậu phương' đã có những quyết đoán thay đổi huấn luyện viên (HLV) trưởng nhằm cải thiện chất lượng, hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo của V-League.

Nếu như LPBank-Hoàng Anh Gia Lai phải mời HLV Vũ Tiến Thành như một phương án thích hợp để trước hết “tìm đường sống” cho đội bóng đang lún sâu dưới đáy bảng xếp hạng, thì 3 “ông lớn” đóng quân trên đất Thủ đô lại hướng đến những mục tiêu thứ hạng và vô địch. Trong mức độ nhất định, các HLV mới của Thể Công-Viettel, Hà Nội FC và Công an Hà Nội FC đều phải giải quyết khâu then chốt là bản sắc lối chơi và tổ chức thế trận. Ở đây những bài bản của các HLV Park Hang-seo, Troussier rất đáng tham khảo.

Buổi tập đầu tiên của HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng cùng CLB Thể Công - Viettel.

Tại sao ông bầu điềm đạm Đỗ Quang Hiển lại hồn nhiên bộc lộ niềm tự hào trước các màn trình diễn nổi bật của Phạm Tuấn Hải, người Hà Nội FC của ông và Nguyễn Đình Bắc, người thuộc đội bóng do ông tài trợ Quảng Nam FC? Ông và các tập thể đội bóng đã đào tạo, bồi dưỡng những cầu thủ phù hợp với mong muốn xây dựng CLB của ông và đội tuyển Việt Nam. Mọi người nói nhiều về lối chơi mới kiểm soát bóng tấn công của đội tuyển Việt Nam, song thực chất lối chơi này nhằm tăng cường tính chủ động, năng lực phối hợp gắn kết của tập thể. Và đây chính là đặc điểm nổi trội của các lứa cầu thủ Hà Nội FC lâu nay. Đó cũng là nền tảng mà các HLV Phan Thanh Hùng, Chu Đình Nghiêm đã dày công xây dựng và đưa Hà Nội FC liên tiếp lên đỉnh V-League nhiều năm. Thiếu khuyết cầu thủ giỏi, cả nội, ngoại binh so với các mùa trước là một phần rất quan trọng, song dàn cầu thủ hiện tại của Hà Nội FC vẫn ở chất lượng hàng đầu V-League. Thành tích quật ngã Wuhan Three Towns (Trung Quốc) và Urawa Red Diamonds (Nhật Bản) là minh chứng. Tuy nhiên, độ ổn định của đội chưa cao, lối chơi chưa kết dính, chưa có độ chắc và sắc như mong đợi. Bởi thế nên HLV thứ 4 trong mùa giải này đã được mời đón là HLV trẻ Daiki Iwamasa (Nhật Bản), người từng có sự nghiệp cầu thủ đáng tự hào và tuy mới bắt tay vào nghề cầm quân song đã cho thấy nhiều hứa hẹn.

Có điều đáng quan tâm ở đây chính là việc triển khai “học Nhật Bản”. Trước đây, HLV người Nhật Bản Toshiya Miura từng cầm U.23 Việt Nam để lại một số dấu ấn nhất định, song khi dẫn dắt CLB V-League, ông đã bộc lộ nhiều hạn chế. Xét đẳng cấp rõ ràng HLV Daiki Iwamasa hơn hẳn. Một liên hệ khác, chính thầy Troussier từng góp công sức đáng kể xây dựng tư duy bóng đá và lối chơi làm nên các chiến tích vượt trội của đội tuyển Nhật Bản như chúng ta đã biết. Với việc lối chơi mới của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV tài năng này được tạo nên theo mô hình Nhật Bản, bước đầu đã cho thấy sự phù hợp thì chúng ta càng có lý do để nâng bước việc học theo nền bóng đá phát triển nhất châu Á, đặc biệt lại có sự tương đồng về văn hóa, con người.

Trong một diễn biến khác, việc HLV Kiatisuk đầu quân cho Công an Hà Nội FC đưa lại nhiều điều đáng mong đợi. Uy tín và tính cách của “Zico Thái” chắc hẳn là thuận lợi để ông trổ tài giúp CLB tạo dựng lối chơi rõ ràng, điều mà mùa trước dù đoạt ngôi vô địch song đội bóng chưa có được, còn mùa này trước ông là sự thất thường và lộn xộn. Lối chơi ấy thế nào? Có lẽ cũng giống như nhiều CLB Việt Nam và Đông Nam Á mong muốn là học theo lối đá Nhật Bản.

Còn Thể Công-Viettel thì sao? Hiện vẫn là phòng ngự-phản công nhưng rời rạc, đơn điệu hơn mùa trước. Nếu tân HLV Nguyễn Đức Thắng xây dựng lối chơi tấn công đẹp mắt, cống hiến như cam kết, việc tham khảo bài bản của HLV Troussier hẳn là có ích.

THƯỜNG NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/hoa-nhip-cung-doi-tuyen-761963