Hoa Lư phát huy loại hình kinh doanh homestay

Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Hoa Lư nói riêng phát triển mạnh. Trong đó, mô hình kinh doanh homestay (hình thức kinh doanh lưu trú khi khách ở chung và cùng sinh hoạt với chủ nhà) ngày càng hút khách, tạo sinh kế cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Khách nước ngoài làm thủ tục nghỉ dưỡng tại một homestay của xã Ninh Hải (Hoa Lư).

Xã Ninh Hải có phần lớn diện tích thuộc vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, đặc biệt là Khu du lịch Tam Cốc Bích Động thu hút lượng lớn khách du lịch. Đây cũng là một trong những điểm khởi phát mô hình kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều cơ sở do người dân địa phương kinh doanh đang phát triển khá tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ homestay Tam Cốc Melody, xã Ninh Hải chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh homestay từ năm 2017. Trước đó, vợ chồng tôi đều đi làm thuê tại Hà Nội, bố mẹ làm nông nghiệp tại địa phương, thu nhập kinh tế không ổn định. Nhận thấy, khách du lịch về tham quan ngày càng đông, gia đình tôi đã chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và mạnh dạn chuyển hướng sang kinh doanh homestay.

Toàn bộ khu homestay của gia đình anh Nghĩa rộng hơn 1.000 m2 , gồm 15 phòng, 1 bể bơi lớn, sân vườn, khu dạo chơi, nấu nướng, vui chơi ngoài trời và kinh doanh các dịch vụ đi kèm như ăn sáng, cho thuê xe máy, xe đạp… Với cách làm sáng tạo, homestay của gia đình anh Nghĩa luôn có lượng khách ổn định, chủ yếu là khách nước ngoài. Năm 2023, gia đình anh đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, tạo việc làm khá ổn định cho 4 lao động của gia đình và 3 lao động địa phương, thu nhập bình quân mỗi lao động thuê ngoài đạt từ 7-10 triệu đồng/ người/tháng.

Hiện nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã cũng thực hiện mô hình homestay giống gia đình anh Nghĩa và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn, gia đình anh Nghĩa và một số chủ cơ sở homestay khác cùng nhau góp công sức, kinh phí xây dựng đường điện chiếu sáng tại một số tuyến đường; đồng thời trồng nhiều hoa, cây xanh, tạo môi trường sinh thái, thân thiện, thu hút khách du lịch.

Ninh Thắng là xã có diện tích chủ yếu thuộc vùng đệm Quần thể danh thắng Tràng An. Những năm gần đây, Ninh Thắng trở thành vùng đất có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là hình thức homestay, với các dịch vụ độc đáo.

Các homestay trên địa bàn huyện Hoa Lư được thiết kế đẹp, gần gũi với thiên nhiên, tạo sự hài lòng cho du khách.

Chị Lã Thị Thu Trang, chủ homestay Tam Coc Relax (thôn Tuân Cáo) cho biết: Gia đình tôi khai thác dịch vụ homestay từ năm 2022. Quá trình kinh doanh, chúng tôi luôn chú trọng cải tạo cảnh quan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh trong vùng Di sản; chủ động tham gia các khóa đào tạo nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho du khách. Thông qua các trang web như booking, agoda…, homestay luôn duy trì được lượng khách ổn định, cùng với tận dụng lao động tại gia đình, mỗi tháng doanh thu trung bình từ 25-30 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh homestay giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập, có thêm những niềm vui.

Theo đồng chí Hoàng Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư: Mô hình kinh doanh homestay là lợi thế với người dân địa phương để có thể phát triển kinh tế tại chỗ, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. "Ly nông nhưng không ly hương"-người dân rời khỏi nông nghiệp chuyển sang làm dịch vụ mà không phải rời bỏ quê hương. Tận dụng những lợi thế sẵn có về cảnh quan, các hệ sinh thái tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An để có thể phát triển du lịch, nâng cao thu nhập gia đình, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp rất nhiều.

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 69,5 triệu đồng/người, vượt kế hoạch đề ra. Không những thế, sự phát triển của các mô hình homestay còn giúp tạo cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện. Đồng thời, giúp người dân nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoa Lư có khoảng 150 cơ sở kinh doanh theo mô hình homestay được cấp phép hoạt động. Để các homestay hoạt động hiệu quả, những năm qua, Hoa Lư luôn chú trọng công tác quản lý cũng như tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan; tăng cường công tác quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch đến địa bàn. Cùng với đó, UBND huyện quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, biển báo, điện chiếu sáng… kết nối đến các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, homestay… tạo thuận lợi cho hoạt động dân sinh cũng như kinh doanh du lịch.

Trong thời gian tới, huyện Hoa Lư tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nói chung, các chủ cơ sở kinh doanh cơ sở lưu trú, homestay nói riêng về các quy định của Nhà nước về kinh doanh, lưu trú du lịch. Tổ chức rà soát các homestay có nhu cầu xây dựng, sửa chữa đảm bảo tiêu chí để hỗ trợ theo Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tập trung hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch làm thủ tục đăng ký xếp hạng theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các homestay; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở cố tình không chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch trong vùng di sản.

Bài, ảnh: Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoa-lu-phat-huy-loai-hinh-kinh-doanh-homestay/d20240417093032350.htm