Hòa giải viên phải là người thân để thấu hiểu mỗi câu chuyện

Làm công tác hòa giải tại tổ thôn xóm nhiều năm, bà Thạch Thị Sự (SN 1948), tổ trưởng tổ hòa giải thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm ngẫm lại vẫn thấy có nhiều chuyện đáng tiếc. Giá như mỗi người đều lắng lại để nhìn nhận, để gắng sống vì nhau hơn có lẽ cuộc sống gia đình sẽ mãi hạnh phúc, vui vẻ. Ắt hẳn sẽ chẳng có những đứa trẻ thiếu thốn vì vắng cha, xa mẹ.

Gắn bó vài chục năm với Viện Sốt rét ký sinh trùng, đến lúc nghỉ hưu, bà Sự cũng chẳng để mình nhàn rỗi, thảnh thơi như người ta khi đã dừng công tác. Bà vẫn tất bật lo cho con, cho cháu, vẫn cứ tư vấn cho bà con xóm giềng cách phòng, chống bệnh và chữa trị bệnh. Công tác ở một viện lớn, đồng thời va chạm với xã hội, bao nhiêu năm trải nghiệm đủ những câu chuyện buồn, vui trong cuộc sống, nên hơn ai hết, bà thấu hiểu cuộc sống nhân tình thế thái.

Làm nhiệm vụ của hòa giải viên cũng lắm chuyện vui, nhưng cũng chẳng thiếu những chuyện buồn. Nhắc lại những câu chuyện đã qua, cũng là câu chuyện của hàng xóm láng giềng, bà nhớ đến từng người, từng chi tiết. Để tránh việc lật lại chuyện cũ khiến người ta ngần ngại, bà nhờ tôi giấu đi tên những cá nhân, gia đình trong câu chuyện bà kể.

Bà Thạch Thị Sự, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Ảnh: Gia Huy

Bà Thạch Thị Sự, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Ảnh: Gia Huy

Công việc của hòa giải viên yêu cầu người ta phải thật khéo léo, bà Sự cho biết. Không những vậy, phải thật linh động và kiên trì. Ví dụ như trường hợp có cặp vợ chồng trong thôn đệ đơn li dị, khi biết tình huống tổ hòa giải cùng với các tổ, ngành khác cũng đến để gặp gỡ, nhằm hàn gắn lại những rạn vỡ. Thế nhưng dăm lần bảy lượt người chồng đều trốn tránh, không hợp tác. Biết chuyện này sử dụng sức mạnh tập thể không xong, bà Sự nghĩ, tự mình phải “hành động”. Và thế là bà tìm hiểu “đường đi lối lại” của anh chồng rồi lên kế hoạch “phục kích”.

Sau ba ngày “phục kích” ở đường đi lại gần bãi tha ma (khu vực chôn cất người đã mất ở làng, xã), bà đã gặp được anh này. “Lúc này không thể dùng tư cách làm hòa giải viên, mà phải dùng tư cách của người thân, họ hàng để mà tâm tình, khuyên bảo. Ừ thì cũng bởi mình đã cao tuổi, những điều gì mình nói, mình khuyên cũng là những lý lẽ, đạo lý ở đời nên có lẽ cánh trẻ cũng dễ tiếp thu, dễ nhìn nhận”, bà cho biết. Với bà, trong cuộc sống vợ chồng, cả hai phải nhìn về một phía, cơm sôi thì bớt lửa, chín bỏ làm mười… mỗi người nhường nhau một chút thì cuộc sống mới ấm êm được.

“Sau khi nghe ra, anh chồng cũng có thay đổi. Sau một thời gian, khi gặp cô vợ, tôi biết tình trạng đã được cải thiện rất nhiều. Và rồi, từ căn nhà cấp 4, giờ họ đã xây được căn nhà tầng khang trang, có của ăn, của để”, bà vui vẻ. Thế mới biết được sức mạnh của câu chuyện thuận vợ, thuận chồng!

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cũng chẳng phải cặp nào cũng như cặp nào. Có những câu chuyện cũng rất khó nếu không đủ kiên trì, không thực sự hiểu cuộc sống của họ. Bà kể có những cặp vợ chồng đã trên dưới 60 tuổi, vợ thì bệnh nan y, nhưng chồng thì vẫn cứ ngày ngày mượn rượu để chửi bới, đánh đập. Bà cứ phân tích, cứ lý lẽ… và cũng cứ kiên trì. Cuộc sống gia đình không phải chỉ sống vì nhau, mà phải sống vì cả gia đình, con cái, có thấu hiểu điều đó thì suy nghĩ mới xuôi được.

Không phải cuộc hòa giải nào cũng thành công, bà Sự cho biết. Bà vẫn canh cánh những câu chuyện trong những lần hòa giải. Có những cặp vợ chồng đã năm lần bảy lượt hòa giải thành công, những tưởng họ đã sống và chấp nhận nhau rồi, nhưng được một thời gian người vợ hoặc chồng lại chứng nào tật nấy. Thế là cuối cùng có hòa giải, có phân tích mãi cùng bằng thừa. Lúc ấy, làm hòa giải viên thấy buồn và bất lực lắm. Nhìn những đứa trẻ bị chia đôi, đứa may mắn thì được ông bà, bố hoặc mẹ quan tâm chăm sóc, còn có đứa chẳng may ở với nửa còn lại đã chẳng được để ý lại chứng kiến những thói hư tật xấu của người lớn, không phải thân quen nhưng bà Sự thấy thực sự buồn. Lỗi lầm của người lớn, thế nhưng người gánh chịu lại là con nhỏ, bởi thế, trong quá trình công tác của bà, những câu chuyện không thành ấy đôi lúc khiến bà cảm thấy bất lực.

Không chỉ trong những câu chuyện hôn nhân gia đình, đôi khi những câu chuyện tranh chấp nho nhỏ của hàng xóm láng giềng với nhau cũng khiến tổ hòa giải vất vả. Lúc này, ngoài chuyện phân tích đúng sai, còn phải thể hiện sự công bằng giữa hai bên. Câu răn dạy của cha ông, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” phải phát huy hết mức trong trường hợp này.

“Những câu chuyện về tranh chấp đất đai là mệt mỏi và đau đầu nhất. Cũng có những cuộc tranh chấp mà họ đâm đơn lên huyện, lên TP. Đôi khi chỉ vì 5 – 60 cm đất cũng khiến hàng xóm, anh chị em trong gia đình sẵn sàng đưa nhau ra tòa. Đấy là mảng khó khăn nhất trong câu chuyện hòa giải”, bà tâm sự.

Hai người con đều khôn lớn và trưởng thành, cháu chắt ngoan ngoãn giỏi giang là điều khiến bà Sự hạnh phúc hơn cả. Công tác xã hội cũng chỉ để chia sẻ, giúp đỡ hàng xóm láng giềng với nhau. Chẳng phải để lưu danh, càng không phải để mọi người nhớ đến. Vì thế mà cho đến tận khi tôi đến, bà vẫn chối đây đẩy, câu chuyện vài lần được xã đề xuất lên huyện để khen thưởng vẫn khiến bà ngượng ngiụ, vẫn là chưa đủ tốt!

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-vien-phai-la-nguoi-than-de-thau-hieu-moi-cau-chuyen-180042.html