Hòa giải tranh chấp đất đai ở Bảo Yên

Các vụ tranh chấp đất đai ở Bảo Yên được hòa giải ngay từ cơ sở không chỉ hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu nại vượt cấp, mà quan trọng hơn là góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, củng cố an ninh, trật tự tại địa phương.

Khi giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Sa Pa phát sinh nhiều tranh chấp đất đai do giấy tờ sai lệch với hiện trạng.

Khi giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Sa Pa phát sinh nhiều tranh chấp đất đai do giấy tờ sai lệch với hiện trạng.

Giảm sức ép cho chính quyền địa phương

Xã Cam Cọn những ngày này là một đại công trường thi công các dự án thành phần của Cảng Hàng không Sa Pa. Cũng như nhiều dự án khác, một trong những vấn đề khiến cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi đây đau đầu là giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhờ hoạt động tích cực của các tổ hòa giải cơ sở, việc tranh chấp giữa các hộ được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh.

Vụ việc gần đây nhất là tranh chấp giữa gia đình bà Nguyễn Thị Son và gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Cam 1. Căn nguyên là khi rà soát, thống kê giải phóng mặt bằng, diện tích đất ven bờ ao do ông Quang canh tác nhiều năm qua lại nằm trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình bà Son. Bên nào cũng cho rằng mình có lý và khẳng định bản thân mới là người được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Vướng mắc của 2 hộ này khiến mặt bằng chưa được giải phóng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Trước tình hình đó, Tổ hòa giải thôn, trực tiếp là Trưởng thôn Cam 1 Hoàng Văn Hải đã cùng cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng của xã, huyện đến từng hộ vận động, giải thích.

Từ phân tích thấu tình, đạt lý của tổ hòa giải và cán bộ chuyên môn, gia đình bà Son đã đồng ý không tranh chấp khu vực đất do ông Hải canh tác dù trên giấy tờ, gia đình bà mới có quyền sử dụng. Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Cam 1 cho biết: Khi triển khai dự án Cảng Hàng không Sa Pa, nhiều hộ có đất được nhận tiền đền bù và hưởng các chế độ thì bắt đầu phát sinh tranh chấp.

Ông Hồ Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn cho biết thêm: Trước đây, việc đo đạc, giao đất chưa được chặt chẽ khiến nhiều diện tích đất trên giấy tờ không khớp với thực tế. Khi có quyền lợi gắn liền với đất, trong thôn đã phát sinh nhiều mâu thuẫn do tranh chấp đất. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của tổ hòa giải, các tranh chấp này hầu hết được giải quyết tại thôn, hạn chế phát sinh khiếu kiện vượt cấp. Các hộ sau khi được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước.

Tranh chấp được giải quyết, tình làng, nghĩa xóm được giữ gìn.

Tranh chấp được giải quyết, tình làng, nghĩa xóm được giữ gìn.

Giữ tình làng, nghĩa xóm

Tại xã Xuân Thượng, những vụ mâu thuẫn do tranh chấp đất tưởng chừng không thể giải quyết đã từng bước được gỡ nút thắt nhờ các hoạt động của tổ hòa giải. Cách đây vài tháng, gia đình ông Lương Văn Liên và gia đình bà Hoàng Thị Xoan ở bản 3 Là dù là hàng xóm chung bờ rào cũng chẳng muốn nhìn mặt nhau bởi tranh chấp khu đất ông Liên đang ở. Chuyện là khi ông Liên từ Yên Bái lên Bảo Yên sinh sống, lập nghiệp, thấy hoàn cảnh khó khăn, bà Xoan đã cắt một phần đất của mình cho ông Liên dựng nhà. 2 gia đình không có họ hàng nhưng sống với nhau như ruột thịt, mọi việc lớn nhỏ đều có nhau. Vậy nhưng xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ chưa được giải quyết kịp thời đã khiến 2 gia đình dần xa cách.

Năm 2009, khi ông Liên đến cơ quan chức năng làm một số thủ tục để xin giấy phép xây nhà mới tá hỏa khu đất mình đang ở vẫn trong sổ đỏ của gia đình bà Xoan. Sẵn mâu thuẫn trước đó, bà Xoan đòi ông Liên trả lại toàn bộ khu đất trước đây mình đã cho. Ông Liên cũng có lý của mình, bởi hơn chục năm trước, với sự nhất trí của bà Xoan, ông đã làm giấy tờ đứng tên mình cho mảnh đất này, nhưng sau 1 lần điều chỉnh hồ sơ địa chính của địa phương, không hiểu vì sao lại nhập vào sổ đỏ của gia đình bà Xoan.

Theo Trưởng thôn Đặng Chí Thanh cho biết: Vụ việc kéo dài từ 2018, tổ hòa giải đã đến từng hộ giải thích, ban đầu cả 2 hộ nhất quyết không nhường. Anh Thanh và các thành viên trong tổ hòa giải vẫn kiên trì thuyết phục. “Mưa dầm, thấm lâu”, cuối cùng các hộ nhất trí phân chia lại ranh giới rõ ràng trước sự chứng kiến của tổ hòa giải và cán bộ chuyên môn, 2 hộ lại chung sống hòa thuận.

Kinh tế đồi rừng ngày càng phát triển, đặc biệt là khi cây quế được giá, diện tích nhanh chóng mở rộng trên địa bàn huyện, đây cũng là lúc phát sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến đất rừng. Tại xã Minh Tân, những vụ tranh chấp đất khiến ngay cả anh em, người thân trong gia đình cũng nảy sinh xích mích.

Anh Kim Thanh Việt, cán bộ địa chính xã Minh Tân cho biết: Có 2 dạng tranh chấp chủ yếu trên địa bàn là tranh chấp khu vực ranh giới và khi thông tin sai giữa hiện trạng và trên giấy tờ. Năm trước, trên địa bàn có khoảng 20 vụ tranh chấp đất dạng này và đều đã được giải quyết thông qua hòa giải tại cơ sở.

Vụ tranh chấp gần đây nhất được giải quyết là giữa ông Lương Văn Vậy và ông Phan Thanh Toàn cùng ở bản Bon 2. Tranh chấp xuất phát từ việc hơn 3.000 m2 đất do ông Vậy đã trồng rừng hơn 8 năm qua, tuy nhiên khi kiểm tra hồ sơ, giấy tờ lại nằm trên sổ đỏ của ông Toàn nên ông Toàn viết đơn đòi lại diện tích này. Xã đã thành lập tổ hòa giải đến từng hộ nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm hướng giải quyết. Cuối cùng, ông Vậy nhất trí khai thác toàn bộ diện tích rừng đã trồng và trả lại đất cho ông Toàn.

Ông Nguyễn Quảng Đại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân cho biết: Phương châm của xã là giải quyết các vụ tranh chấp ngay tại cơ sở. Cùng là tranh chấp đất nhưng không vụ việc nào giống vụ việc nào, bởi vậy các tổ hòa giải cũng phải khéo léo lựa chọn hướng giải quyết phù hợp. Hiệu quả giải quyết tại cơ sở thông qua hòa giải không chỉ giảm áp lực cho chính quyền, mà còn giữ gìn mối đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357474-hoa-giai-tranh-chap-dat-dai-o-bao-yen