Hoa ban, loài hoa có nhiều ý nghĩa với đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên

Nếu như hoa tam giác mạch là biểu tượng cho mảnh đất Hà Giang, Sơn La có hoa mận, thì hoa ban lại là thương hiệu chung của núi rừng Tây Bắc và của Điện Biên nói riêng. Hoa ban được coi là biểu tượng cho đất - trời và con người Điện Biên, với vẻ đẹp tinh khôi, bền bỉ, mãnh liệt vươn lên từ khó khăn, nhọc nhằn. Hoa ban không chỉ là một loài hoa mang giá trị thương hiệu đặc sắc, mà còn là một loài hoa mang nhiều ý nghĩa trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên.

Vẻ đẹp tinh khôi, mộc mạc của hoa ban làm bừng lên sức sống. Ảnh: Thúy Hạnh

Ban trong tiếng Thái có nghĩa là ngọt ngào, dịu nhẹ. Vẻ đẹp tinh khôi như sương, như gió núi của hoa ban được ví như một thiếu nữ e ấp, khiêm nhường. Chỉ khi hoa đào, hoa mận lui dần theo mùa Xuân, thì sắc màu hoa ban lại phủ trắng những triền đồi, khe suối, uốn lượn theo các cung đường, trong sân, ngoài ngõ, bên hiên nhà sàn. Đến bất kỳ đâu cũng thấy hoa ban. Hoa ban gắn với núi rừng, không gian văn hóa, tín ngưỡng và ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.

Gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, hoa ban là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. Bởi vậy, hoa ban là lễ vật không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống như lễ Xên Páng (cúng hội vui), lễ Xên bản, Xên mường đầu năm và lễ hội Cầu mùa. Đây là dịp để người dân thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân với tổ tiên và các vị thần núi, thần sông và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu...

Với đồng bào dân tộc Thái, hoa ban không chỉ đơn thuần là một loài hoa đẹp, mà còn là một loài hoa biểu tượng của văn hóa, là nét đẹp ngàn đời trong cộng đồng của họ. Bà con dân tộc Thái rất yêu thích hoa ban. Họ thường có thói quen vào rừng, ngắt những cành hoa ban đầu mùa mang về nhà để cắm. Về ý nghĩa tinh thần, hoa ban còn là loài hoa gắn bó với thiếu nữ Thái, là biểu trưng cho tình yêu son sắt của lứa đôi. Có thể nói, hoa ban gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người Thái ở vùng Tây Bắc.

Chị Lò Thị Duyên, ở bản Cò Chạy, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên chia sẻ: “Khi mùa hoa ban nở, chúng tôi thường vào rừng hái hoa về cắm cho đẹp nhà. Đó là một loài hoa có hương thơm dịu dàng, quyến rũ. Ngoài ra, tới mùa hoa ban, những chàng trai và cô gái cùng nhau vào rừng ngắm hoa. Chàng trai sẽ ngắt cành hoa để cài lên mái tóc người mình yêu, hy vọng họ sẽ có được một tình yêu chung thủy như trong chuyện tình của nàng Ban”. Tháng Ba, hoa ban nở trắng rừng. Những cánh hoa ban mỏng manh, rung rinh trước gió, dường như muốn kể lại câu chuyện cổ xưa, chuyện về chàng Khôm - nàng Ban xinh đẹp với tình yêu một dạ thủy chung.

Phụ nữ Thái với trang phục áo cóm truyền thống, rực rỡ bên hoa ban. Ảnh: Thúy Hạnh

Hoa ban không chỉ thể hiện trong lời ca, tiếng hát của đồng bào dân tộc Thái, mà vẻ đẹp của loài hoa này còn được thể hiện trên những bộ trang phục áo cóm của người phụ nữ. Đến mùa ban nở, những người phụ nữ Thái thường hay sắm cho mình những trang phục, họa tiết liên quan đến hoa ban. Bà Tòng Thị Kim, ở bản Ten, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên vui vẻ nói: “Đến mùa hoa ban, tôi thường đi mua bộ áo cóm để giữ lại bản sắc dân tộc Thái đến lễ hội, hoặc đi chơi đâu đó”.

Hoa ban không chỉ được dùng trang trí trong nhà, họa tiết hoa văn trên váy, áo cóm truyền thống, mà còn được dùng để chế biến những món ăn đặc sản. Qua đó, hoa ban đã góp phần làm phong phú thêm sản phẩm đặc trưng của người Thái vùng Tây Bắc. Chị Cà Thị Liên, ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên tâm sự: “Thời xưa, mùa này là mùa đói ở nơi đây. Mùa hoa ban nở là mùa phải lên nương, phát rẫy, nhưng không có gì ăn. Người ta lên rừng hái hoa ban và củ măng để ăn. Bây giờ, cuộc sống không còn nghèo đói nữa, đã đầy đủ hơn, những món ăn được làm từ hoa ban đã trở thành đặc sản ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc”. Ngoài ra, không chỉ hoa ban trắng, mà nhiều bộ phận của cây ban còn được sử dụng làm thuốc quý để chữa bệnh.

Từ xưa đến nay, hình ảnh của loài hoa ban thơm ngát đã gắn bó mật thiết đối với đời sống của đồng bào dân tộc Thái. Qua đó, thế hệ trẻ dân tộc Thái luôn thấm nhuần ý nghĩa của hoa ban đối với đời sống của dân tộc mình và tình yêu của hoa ban ngày một lớn qua mỗi mùa hoa. Nhằm tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc ở Điện Biên, từ năm 2014, tỉnh đã tổ chức thường niên lễ hội hoa ban vào dịp hoa ban nở. Lễ hội năm nay gắn liền với sự kiện khai mạc Năm du lịch quốc gia Điện Biên năm 2024. Đây là niềm vinh dự của địa phương khi lần thứ 2 được chọn làm lễ đăng cai tổ chức sự kiện có quy mô quốc gia. Cũng là dịp để tỉnh Điện Biên quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em trong tỉnh tới các du khách trong và ngoài nước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chỉ riêng ngày 13 đến ngày 18/3/2024, tỉnh đã đón trên 8.300 lượt khách, hơn rất nhiều lần so với cùng kỳ hàng năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 140 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đánh giá: “Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Đây là điều khiến chúng tôi rất phấn khởi. Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với khát vọng bứt phá vươn lên như hoa ban của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới”.

Hoa ban là loài hoa đặc trưng có nhiều ý nghĩa trong đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Do đó, cần bảo tồn và phát triển loại hoa mang biểu tượng văn hóa dân tộc tiêu biểu này để biến các giá trị văn hóa, thành nguồn lực nội tại, thúc đẩy du lịch, phát huy thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoa-ban-loai-hoa-co-nhieu-y-nghia-voi-dong-bao-dan-toc-thai-o-dien-bien-post475144.html