Hoa anh đào Nhật Bản và cơ duyên về với mảnh đất Điện Biên

Cứ vào độ từ tháng 3-5 hằng năm, hoa anh đào lại nở rộ, trải khắp đất nước Nhật Bản. Tại Việt Nam, loài hoa này cũng khoe sắc trên mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Trong thời gian công tác tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka (2007-2010), tôi có cơ hội tìm hiểu về cây hoa anh đào của Nhật Bản.

Vườn hoa anh đào Edohigan tại Pá Khoang,, Mường Phăng, Điện Biên. (Ảnh: Lê Đức Lưu)

Cũng giống như rượu Sake, hoa anh đào ở Nhật Bản có rất nhiều loại. Chúng ta có thể phân biệt các loài hoa này dựa vào số lượng cánh hoa, hình dáng, màu sắc cũng như thời gian hoa nở.

Những loại hoa anh đào tiêu biểu

Hoa anh đào của Nhật Bản có 3 màu chính: trắng, trắng hồng và đỏ. Một trong những loại phổ biển nhất là hoa anh đào Yoko được lai tạo giữa hai giống hoa Amagi Yoshino và Kanhi.

Yoko là dòng anh đào đơn 5 cánh dày, có hoa màu trắng, trắng hồng, lâu tàn. Chúng bắt đầu nở vào cuối tháng Ba và đầu tháng Tư khi thời tiết ấm áp và tùy vào nhiệt độ từng năm. Đặc biệt, khi hoa nở hết thì lá mới mọc, nên những cây hoa anh đào chỉ có cành và hoa trông rất đẹp mắt.

Hoa anh đào Edohigan là một trong hai loại hoa dùng để phối giống và cho ra loại hoa Yoshino. Loại hoa này phổ biến và được tìm thấy chủ yếu tại vùng Kanto.

Hoa anh đào Edohigan có cánh hoa nhỏ hơn so với Yoshino, thường nở vào cuối tháng Ba, nhưng thời gian hoa nở có thể thay đổi chút ít tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Với hơn 100 loại, hoa anh đào Somei-Yoshino bao gồm cả những loại anh đào mọc hoang dã rất phổ biến ở Nhật Bản, là kết quả trộn lẫn giữa giống hoa anh đào Edohigan và Oshima.

Hoa anh đào Kawazu nở sớm nhất Nhật Bản. Bạn có thể tìm thấy một lượng lớn loại hoa này tại một thị trấn mang tên Kawazu thuộc bán đảo Izu, tỉnh Shizuoka.

Trong khi đó, hoa anh đào Takato Kohigan là loại đặc biệt nở vào đầu tháng Tư. Hoa 5 cánh mang sắc hồng phớt đỏ nhẹ nhàng và chỉ được tìm thấy trên công viên thuộc lâu đài Takato, tỉnh Nagano.

Ngoài ra, còn có một số loại khác như hoa anh đào Shidare với các nhánh hoa vươn dài và rủ xuống. Hoa anh đào Yama với 5 cánh có màu hồng phấn, có thể phân biệt với các loại hoa anh đào khác nhờ phần lá đỏ tía. Hoa anh đào Ichiyo có đến 20-30 cánh hoa màu hồng phấn, là loại hoa kép, trông giống với hoa cẩm chướng và nở muộn nhất so với những loài khác. Trong khi đó, hoa anh đào Kanzan có hơn 5 cánh.

Hoa anh đào Kanhi là loại phổ biến ở Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Thời gian hoa nở bắt đầu từ giữa tháng Giêng đến tháng Hai. Riêng ở đảo Honshu, loài hoa này thường nở vào đầu tháng Ba.

Được mệnh danh là loài hoa có nhiều cánh, hoa anh đào Kiku nở muộn nhất ở Nhật Bản, thường vào cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm. Ở Tokyo, bạn có thể nhìn thấy loại hoa này tại các công viên, vườn Nhật.

Tiến sĩ Trần Lệ (ngoài cùng, bên trái) tiếp du khách nước ngoài đến thăm vườn hoa anh đào. (Ảnh: Lê Đức Lưu)

Vườn hoa anh đào Edohigan lớn nhất ở Việt Nam

Nhà khoa học nông nghiệp ứng dụng, Tiến sĩ Trần Lệ là người đã đưa giống hoa anh đào Edohigan thuần chủng về Việt Nam vào năm 2006 tại Pá Khoang, Mường Phăng, tỉnh Điện Biên, qua một người Nhật tên là Yoshihira với 10 hạt giống đầu tiên.

Sau 45 ngày chăm sóc, 10 hạt giống hoa này mọc lên được 9 cây. Tiếp đó, nhân chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yoshihira trao thêm 50 hạt và đợt 3 là 200 hạt.

Thời gian này, để tới Pá Khoang rất khó khăn, nhưng qua nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Lệ nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng này rất phù hợp để nhân giống và trồng loại hoa anh đào Edohigan của Nhật Bản.

Qua trao đổi, Tiến sĩ Trần Lệ cho biết, sở dĩ nhân giống thành công hoa anh đào Edohigan ở Việt Nam là nhờ vào bốn yếu tố cần thiết.

Thứ nhất, cây giống phải khỏe mạnh, không sâu bệnh, phải tìm hiểu loại hoa anh đào dự định trồng là loài nào, đặc tính sinh trưởng của nó ra sao. Theo Tiến sĩ, Edohigan là loài hoa anh đào chịu nhiệt tương đối tốt, chỉ sau loài hoa Kawazu.

Thứ hai, cần phải tìm hiểu, khảo sát khu vực dự định trồng, thổ nhưỡng ở đó ra sao. Tiến sĩ Trần Lệ mất một năm để tìm ra vùng đất này ở Pá Khoang. Đất ở đây tơi xốp, nhiều mùn dinh dưỡng.

Đây là yếu tố rất quan trọng, vì trong các loài hoa anh đào giới thiệu ở trên, loài nào cũng rất đẹp, nhưng không phải thấy nó đẹp, đem trồng là nó phát triển, vì trong quá khứ có nhiều công ty đã chủ động nhập một số loại hoa anh đào của Nhật về Việt Nam, nhưng trồng không thành công do chưa phù hợp yếu tố này.

Thứ ba, hoa anh đào đa phần không chịu được nắng gắt từ 39 - 42 độ C. Nắng to chúng rất dễ bị cháy lá, cây chậm lớn. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề đó thì có nhiều cách. Nhiệt độ để hoa phát triển ổn định là từ 35 độ C trở xuống.

Giấy chứng nhận của Liên hiệp Những nhà sáng tạo thế giới ghi nhận việc Tiến sĩ Trần Lệ nhân giống hoa anh đào Edohigan ở Việt Nam. (Ảnh: Lê Đức Lưu)

Thứ tư, nước cũng rất quan trọng. Hoa anh đào cần trồng ở nơi cao ráo không úng ngập, thoát nước tốt. Khi cây bị ngập nước thì rất dễ bị chết, hiện tượng vào mùa mưa cây bị vàng lá và rụng là biểu hiện đang thừa nước. Cách xử lý tốt nhất là trồng nơi cao, thoát nước.

Như vậy, qua 18 năm chiết ghép và nhân giống, giờ đây, vườn hoa anh đào Pá Khoang, Mường Phăng đã trở thành khu du lịch của tỉnh Điện Biên với trên 100.000 cây. Đây cũng là vườn hoa anh đào Edohigan lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

LÊ ĐỨC LƯU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-anh-dao-nhat-ban-va-co-duyen-ve-voi-manh-dat-dien-bien-266348.html