Hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động vẫn chậm

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau gần 2 tháng triển khai Quyết định 08 của Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, đến nay có khoảng 55 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện, 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch triển khai và 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên báo cáo không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, đến ngày 20/5, cũng mới chỉ có Cà Mau là địa phương đầu tiên phê duyệt các quyết định hỗ trợ tiền thuê trọ cho hơn 2.300 công nhân trên địa bàn với mức 500.000 đồng/người. Báo cáo từ các địa phương cho thấy, việc triển khai chính sách chưa được như mong muốn, đồng thời cũng phát sinh một số vướng mắc cần sớm được giải quyết.

Gói hỗ trợ người lao động 3 tháng tiền thuê trọ sẽ phần nào giúp các gia đình công nhân giảm bớt gánh nặng chi tiêu.

Gói hỗ trợ người lao động 3 tháng tiền thuê trọ sẽ phần nào giúp các gia đình công nhân giảm bớt gánh nặng chi tiêu.

Khi chủ nhà trọ từ chối

Công ty đã lên danh sách, đồng thời cũng đã hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ, nhưng gần một tuần nay, chị Nguyễn Thị Kim (công nhân Công ty may xuất khẩu Việt Linh, Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thiện được hồ sơ. Vướng mắc của chị hiện nay là chủ nhà trọ không xác nhận thông tin, và đây cũng đang là vướng mắc của rất nhiều người hiện nay. “Nếu được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng tiền thuê trọ, 3 tháng là khoản tiền khá lớn với công nhân chúng tôi, sẽ giúp chúng tôi đỡ gánh nặng chi tiêu. Nhận được mẫu hướng dẫn của công ty, tôi khấp khởi về nhờ chủ nhà trọ điền số căn cước công dân, địa chỉ và ký tên xác nhận. Thế nhưng, chủ nhà trọ đã từ chối vì cho rằng đó là thông tin riêng tư nên không muốn công khai. Gặp phải tình huống dở khóc dở cười này, tôi cũng chưa biết tính sao”, chị Kim bộc bạch.

Đây là vướng mắc mà nhiều lao động của của Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất, Hà Nội) gặp phải. Ngay khi TP Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 08 về việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, người lao động trên địa bàn, Công ty Meiko đã triển khai cho người lao động đăng ký để lập danh sách hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình triển khai vướng mắc đã phát sinh.

“Để có xác nhận từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định không gặp khó khăn bởi công ty chấp hành tốt các quy định về đóng BHXH cho người lao động. Tuy vậy theo phán ánh của người lao động, họ lại gặp khó khi xin ký xác nhận từ phía chủ nhà trọ, do chủ nhà trọ lo ngại lộ thông tin và truy thu thuế nếu có. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà trọ không ở tại nơi công nhân thuê trọ mà ủy quyền cho người thân trông coi, trong khi những người này không xác nhận thuê trọ cho công nhân”, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết.

Trong khi đó, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho hay, cơ quan này cũng nhận được phản ánh việc triển khai chính sách này tại các địa phương rất chậm do có vướng mắc về xác nhận từ phía chủ nhà trọ. Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khi tham gia xây dựng chính sách này, quan điểm là các thủ tục phải nhanh chóng, đơn giản, kịp thời, nhưng thực tế việc triển khai đã phát sinh những vướng mắc và không đạt được kết quả như mong muốn. Thời gian tới, phía công đoàn theo chức năng của mình sẽ tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn.

Cần đơn giản thủ tục cho người lao động

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện 55 địa phương đã ban hành kế hoạch giải ngân hỗ trợ và 6 tỉnh chưa ban hành kế hoạch. Riêng Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ. Dự kiến có khoảng 3,4 triệu người thụ hưởng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ từ gói 6.600 tỉ đồng. Cà Mau là địa phương đầu tiên phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.300 lao động với kinh phí trên 1,16 tỉ đồng và hiện mới có khoảng 333 người lao động có quyết định nhận tiền hỗ trợ.

Tại TP Hồ Chí Minh, qua thống kê, có gần 1,2 triệu lao động trên địa bàn có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08, trong đó có hơn 987.000 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và hơn 200.000 người quay trở lại thị trường lao động. Tỉnh Bắc Giang dự kiến có 90.000 người nhận hỗ trợ với kinh phí 138 tỉ đồng… Như vậy, sau 2 tháng triển khai, số lao động đã có quyết định được nhận tiền hỗ trợ vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là vì quá trình triển khai phát sinh những vướng mắc.

Nhằm hỗ trợ người lao động, trong một động thái mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có công văn kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 08/2022/QĐ-TTg về việc xác định đối tượng thụ hưởng; thời gian xác nhận hỗ trợ. Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có quy định trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí của UBND thì doanh nghiệp phải chi ngay cho người lao động để tránh tình trạng doanh nghiệp lưu giữ tiền hỗ trợ để sử dụng cho mục đích khác dẫn đến chậm chi trả cho người lao động. Đồng thời, đề nghị có hướng dẫn xử lý trong trường hợp doanh nghiệp có hành vi chậm chi trả cho người lao động.

Đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, thời điểm này, các doanh nghiệp đang rà soát, phổ biến cho người lao động để nộp đầy đủ hồ sơ, khi có đầy đủ hồ sơ, danh sách sẽ gửi lên các cấp phê duyệt. Hiện, Cục Việc làm đang lập các đoàn công tác khảo sát tại các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người lao động trong quá trình giải ngân gói hỗ trợ.

“Khi giải quyết những vướng mắc cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các bộ, ban, ngành. Khi có vấn đề nảy sinh, lập tức chúng tôi cùng triển khai để tháo gỡ, giải quyết với tinh thần thủ tục phải thật đơn giản cho người lao động”, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ho-tro-tien-thue-tro-cho-nguoi-lao-dong-van-cham-i655088/