Hỗ trợ, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, mô hình tiên tiến 'chuỗi cung ứng ngắn' đối với mặt hàng chè sẽ sớm được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận hợp lý của nhóm hàng nông sản cho người nông dân.

Tận dụng được lợi thế

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ cho biết, cây chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nông dân. Chè Thái Nguyên đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài.

Cây chè là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, trong những năm gần đây hoạt động của chuỗi cung ứng mặt hàng chè vẫn còn tồn tại nhiều bất cập từ khâu cung cấp cho đến khâu tiêu thụ. Các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí... ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Do đó đã làm giảm hiệu quả trong kinh doanh, khả năng cạnh tranh mặt hàng chè trên thị trường.

Để đáp ứng được các yêu cầu này thì phát triển chuỗi cung ứng ngắn chính là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đây cũng được xem là một phương thức thương mại phổ biến trên toàn cầu, dần thay thế cho các phương thức thương mại truyền thống, với những ưu điểm như giảm tối đa các khâu trung gian; duy trì và truyền đạt tính xác thực và độc đáo của sản phẩm nông sản; mang lại lợi ích và tác động tích cực trên các góc độ kinh tế, xã hội và môi trường,…

Khi tỉnh phát triển chuỗi cung ứng ngắn chè, sẽ tận dụng được các mặt lợi thế như sự liên kết giữa người trồng, chế biến chè là các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) khá chặt chẽ với nhau. Các hộ trồng chè sẽ có sự kết nối chia sẻ thông tin về giống, giá, chất lượng chè, thị trường tiêu thụ… Qua đó, mặt hàng chè Thái Nguyên tạo dựng cho mình được đẳng cấp chất lượng toàn cầu, nâng tầm giá trị xuất khẩu.

Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch Liên hiệp HTX chè Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Thái Nguyên cho rằng, khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoạt động, mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được trao đổi trực tiếp, cởi mở và thấu đáo hơn, từ đó nâng cao sự gắn bó giữa các thành viên quan trọng trong xã hội. Trong khi đó về mặt môi trường, khi chuỗi cung ứng ngắn đi vào hoat động, các chi phí về thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cũng sẽ giảm bớt đáng kể, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường xã hội.

Tăng cường tổ chức quảng bá, kết nối giữa các doanh nghiệp

Qua khảo sát thực tế, tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong chuỗi cung ứng cho thấy, mức liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng chè Thái Nguyên còn thấp. 36% số doanh nghiệp và 35% số hộ trồng chè chưa tham gia vào các hoạt động chung của chuỗi cung ứng.

Vì vậy để thương hiệu chè Thái Nguyên, bảo đảm chất lượng và sản lượng, mở rộng quy mô thị trường trong nước và quốc tế thì tỉnh Thái Nguyên phải từng bước xây dựng chuỗi cung ứng ngắn và tăng cường tổ chức các hoạt động quảng bá, điển hình là Festival Chè Thái Nguyên, nhằm quảng bá hình ảnh về sản phẩm chè của tỉnh. Đồng thời để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngắn ký kết hợp đồng với các hộ sản xuất chè về cung cấp số lượng chè, bảo đảm lợi ích cho người trồng chè, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Như vậy chủ thể chính của chuỗi cung ứng ngắn chính là các nông dân, nông hộ, trang trại, hợp tác xã, vừa sản xuất vừa tổ chức cung ứng nông sản thực phẩm trong thị trường địa phương, và sự gắn kết với người tiêu dùng được xem là điểm cốt lõi bảo đảm thành công của chuỗi này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cho biết, là vùng chè trọng điểm của cả nước, đứng thứ 2 sau tỉnh Lâm Đồng, Thái Nguyên có diện tích chè hơn 19.100ha, trong đó có hơn 17.000ha chè kinh doanh, năng suất đạt 110,97 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 190.000 tấn. Đến nay, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện phát triển ngành chè từ khâu cung cấp giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho sản xuất đến khâu chế biến đã làm cho diện tích, sản lượng, năng suất và chất lượng tăng đều hàng năm, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất của chè cho giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, mặt hàng chè đã xây dựng được nhãn hiệu chè Thái Nguyên và các thương hiệu: chè Tân Cương, chè La Bằng, chè Trại Cài… nổi tiếng trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay chuỗi cung ứng ngắn đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, các ngành hàng và các quốc gia. Chuỗi cung ứng ngắn mặt hàng chè là rất cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sự tồn tại và phát triển chè Thái Nguyên.

Tâm Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/ho-tro-phat-trien-thuong-hieu-che-thai-nguyen-i300432/