Hỗ trợ, giảm thiểu khó khăn về nguồn điện cho các doanh nghiệp trong tình hình tiết giảm phụ tải

Do thiếu hụt nguồn điện, từ tháng 5/2023 đến nay, Công ty Điện lực (PC) Vĩnh Phúc đã thực hiện phương án tiết giảm phụ tải, cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương, khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh dựa trên mức phân bổ công suất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Tuy nhiên, là tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp phía Bắc có tỷ trọng sản lượng điện tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp chiếm tới 65% tổng nhu cầu sử dụng điện của tỉnh, việc tiết giảm phụ tải, cắt điện luân phiên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và đơn hàng của đối tác, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần có chiến lược sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và tính toán phương án sử dụng các nguồn điện thay thế.

Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long (Phúc Yên) phải tạm dừng 1 dây chuyền sản xuất do cắt điện luân phiên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Để đảm bảo vận hành an toàn cho hệ thống điện Quốc gia, từ ngày 7/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ được phép vận hành công suất tối đa là 527MW, trong khi nhu cầu phụ tải của tỉnh là 861 MW. Theo đó, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phải tiết giảm công suất sử dụng điện từ 100MW đến 334MW (tương ứng với 38% tổng công suất) theo phân bổ công suất sử dụng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.

Xác định việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện là nhiệm vụ quan trọng, PC Vĩnh Phúc đã phối hợp với Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11 ngày 18/5/2023 về việc đảm bảo cung ứng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đảm bảo an toàn điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng với đó, thực hiện tiết giảm phụ tải tại tất cả các địa phương, khu, CCN trên địa bàn; song, việc thực hiện tiết giảm được các đơn vị điện lực tính toán phải cân đối hài hòa trong phạm vi công suất được phân bổ để đảm bảo tiết giảm luân phiên theo khung giờ cả ở khu vực phụ tải công nghiệp, xây dựng và sinh hoạt tiêu dùng với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng điện của DN và người dân.

Đặc biệt, đối với khu vực khách hàng DN, PC Vĩnh Phúc đề nghị khách hàng sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; chuyển sản xuất từ giờ cao điểm sang khung các giờ thấp điểm, chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm và hạn chế vận hành các thiết bị điện hoạt động không tải.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn điện, phải cắt giảm luân phiên trong những ngày qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh. Đại diện Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long (phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên) cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt thị trường bất động sản “đóng băng” đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng của công ty.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, linh hoạt, công ty đã chủ động chuyển dịch và tiếp cận được các đơn hàng xuất khẩu, duy trì 100% các dây chuyền sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Song, vấn đề thiếu hụt điện từ tháng 5/2023 đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ và gây thiệt hại lớn đến hoạt động SXKD của công ty.

Cụ thể, tần suất cắt điện, nháy điện liên tục từ ngày 19/5 trong thời gian dài làm sản lượng sản xuất của công ty giảm 30%.

Mặc dù công ty đã chủ động vận hành 3 máy phát điện hiện có và thuê thêm 2 máy phát điện công suất lớn để duy trì hoạt động cũng như thực hiện các phương án tiết giảm điện theo yêu cầu của Điện lực Phúc Yên với lượng điện tiết giảm trung bình trên 50% điện năng tiêu thụ (xấp xỉ 30.000kWh/ngày) so với những ngày hoạt động bình thường nhưng việc duy trì thường xuyên, liên tục 5 máy phát điện trong thời gian dài đã xảy ra rất nhiều sự cố trong sản xuất như điện áp không ổn định dẫn đến sản lượng giảm, chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, phế phẩm tăng cao, nguy cơ mất an toàn trong vận hành và các khoản chi phí khác..., gây lỗ cho công ty.

Từ ngày 5/6, công ty buộc phải dừng 1/3 dây chuyền sản xuất và cho hơn 100 người lao động làm việc gián đoạn và nghỉ việc luân phiên.

Việc thiếu hụt nguồn điện, phải cắt giảm luân phiên trong những ngày qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các DN sản xuất sắt, thép và vật liệu xây dựng, sản lượng sản xuất bị sụt giảm khiến một số đơn hàng không kịp giao cho các đối tác cùng với việc sử dụng máy phát điện làm tăng chi phí sản xuất lên gấp 3 - 4 lần đã ảnh hưởng đến doanh thu, việc làm, tiền lương của người lao động.

Các DN mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo ngành diện lực quan tâm, ưu tiên cấp điện ổn định, trường hợp buộc phải cắt luân phiên cần có thông báo sớm để đơn vị chủ động phương án sản xuất phù hợp, nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, những ngày qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với đại diện của các sở, ngành liên quan bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn điện.

Với quan điểm luôn ưu tiên cấp điện phục vụ sản xuất song việc thiếu hụt nguồn điện cũng như phải cắt điện luân phiên nằm trong bối cảnh chung, do nguyên nhân khách quan; do vậy, DN cần chủ động rà soát hệ thống máy móc, bảo đảm sử dụng, tiêu thụ điện thấp nhất; có chiến lược sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và tính toán phương án sử dụng các nguồn điện thay thế; phối hợp với PC Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch, lịch trình, phương án tối ưu nhất bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất.

Dự báo thời gian tới, tình trạng thiếu điện vẫn chưa được cải thiện nhiều, do đó, cùng với những nỗ lực của ngành điện, sự đồng thuận của cộng đồng DN, khối khách hàng trọng điểm sử dụng điện trong việc sử dụng tiết kiệm điện, tiết giảm phụ tải, điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi có thông báo được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, nhằm góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95097//ho-tro-giam-thieu-kho-khan-ve-nguon-dien-cho-cac-doanh-nghiep-trong-tinh-hinh-tiet-giam-phu-tai