Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó bằng chính sách tài khóa

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán... nhằm góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi thì theo các chuyên gia kinh tế, cần ưu tiên sử dụng những biện pháp tài khóa đang còn nhiều dư địa.

Nên kích thích tổng cầu bằng chính sách tài khóa

Theo Báo cáo đầu tư thế giới do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp như: Hoa Kỳ giảm 20%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 11%, Trung Quốc giảm 10%... Thị trường xuất khẩu giảm cầu khiến hàng hóa tiêu thụ chậm, doanh nghiệp Việt Nam không duy trì được năng lực sản xuất, giảm nhu cầu vay vốn.

Do đó, từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại đều đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6-2023. Sang đến cuối tháng 7-2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả đang là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.

Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và chủ thể trong nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: VĂN HUYNH

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: VĂN HUYNH

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, trong thời điểm này, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang có sự lệch pha, trong khi ngành ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí thì chính sách tài khóa triển khai chậm. Chính sách tiền tệ đã quá sức, do vậy, cần xem xét lại cách tiếp cận chính sách. Theo TS Nguyễn Đình Cung, cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm như hiện nay là do sức cầu yếu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến hoạt động thương mại yếu kém, ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước. Do đó, nhu cầu yếu nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này sẽ đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng và Việt Nam có dư địa để làm được điều này.

Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ về thuế

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tại CIEM chia sẻ, việc NHNN Việt Nam liên tục hạ lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giảm bất thường thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm và mức độ khó khăn rất lớn của doanh nghiệp. Do đó, việc giúp các doanh nghiệp phục hồi không chỉ là giảm lãi suất cho vay đơn thuần mà cần khơi thông các rào cản từ nhiều phía. Ngoài việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay thì cần phục hồi các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế; giám sát công tác hoàn thuế, bảo đảm hoàn thuế đúng hạn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người lao động như: Hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai hiệu quả gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng 2%...

PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất dồn dập. Mặt khác, chính sách tiền tệ sẽ ít có hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp khó khăn và sức cầu yếu. Thay vào đó, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa do hiện có dư địa tốt (nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng). Bên cạnh đó, cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa...

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Bộ Tài chính cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Một số doanh nghiệp đánh giá, việc giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% là tín hiệu tốt để hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế vì chưa đủ thời gian để kích cầu. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị nên xem xét việc kéo dài thời gian giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.

Tiếp tục cắt giảm thủ tục vay vốn

Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu nới lỏng điều kiện tín dụng thì nguy cơ nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý sẽ quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng mà không kiểm soát được thì chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn là ách tắc vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng hiện đang đứng giữa “hai dòng nước”, vừa phải bảo đảm an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn.

Thời gian tới, đối với chính sách tiền tệ, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ phải đặt ra thông qua một số biện pháp cụ thể. Về phía các ngân hàng thương mại, Phó thống đốc yêu cầu cần chủ động giảm mặt bằng lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải bảo đảm an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn... Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận vốn cũng là một vấn đề đang được NHNN Việt Nam tích cực chỉ đạo thực hiện.

NGUYỄN ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-bang-chinh-sach-tai-khoa-740121