Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động: Triển khai chậm

Gói hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lại người lao động do tác động của Covid-19 được đánh giá là rất cần và thiết thực, nhưng thực tế triển khai lại chậm.

Gói hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với mục tiêu đào tạo lại 1 triệu lao động, tổng kinh phí ước tính là 4.500 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai hơn 10 tháng. Tới ngày 30/6, thời hạn nộp hồ sơ của gói sẽ hết, tuy nhiên, theo ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) - tới nay, các địa phương mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, hoặc xin hướng dẫn của 200 doanh nghiệp. Trong đó, mới có 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho hơn 30 nghìn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội của 14 địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp đào tạo lại gần 9.000 người lao động, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.

Dù đã được triển khai hơn 10 tháng nhưng tốc độ giải ngân của Đề án tái đào tạo nghề cho lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ hiện đang ở mức thấp.

Lý giải về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đánh giá, mặc dù quá trình triển khai chính sách nêu trên tương đối thuận lợi, nhưng thực tế đã phát sinh một số vấn đề băn khoăn của doanh nghiệp, khiến cho việc triển khai chưa được như mong muốn.

Có ý kiến cho rằng, sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang tập trung khôi phục sản xuất - kinh doanh mà quên đi việc phải tính toán các phương án cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, vì vậy họ chưa để tâm đến chính sách hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, cũng có ý kiến bày tỏ quan ngại về việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động đào tạo nghề của doanh nghiệp.

Ở gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng mới giải ngân được hơn 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động. Con số này còn rất nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động. Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải, việc này diễn ra chậm vì đây là thời gian đầu, mặt khác, do nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền 1 lần.

Trước khó khăn từ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Thân cho biết, do tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ hiện đang ở mức thấp nên đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến hết năm 2023.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-trien-khai-cham-180011.html