Hỗ trợ 'cần câu' giúp người nghèo vươn lên

Là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, tỉnh Ðiện Biên xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua với thông điệp 'Trao cần câu hơn trao con cá', thay vì phương thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng các phần quà, tiền mặt, các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo đã chuyển dần sang phương thức hỗ trợ xây dựng, triển khai các mô hình sinh kế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ðồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hướng dẫn người dân cách thức nuôi trồng hiệu quả, khơi dậy cho người dân ý chí vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Người dân bản Suối Lư 1, xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) nhận bò giống hỗ trợ để phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo.

Người dân bản Suối Lư 1, xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) nhận bò giống hỗ trợ để phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo.

Gia đình chị Lò Thị Tâm, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) trước đây là một trong những hộ nghèo được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND huyện Ðiện Biên hỗ trợ bò sinh sản theo hình thức luân chuyển. Sau khi bò đẻ lứa đầu, gia đình chị Tâm tiếp tục chăm sóc bê con đến 12 tháng tuổi, rồi chuyển giao cho Hội Chữ thập đỏ để hỗ trợ cho hộ nghèo khác, còn gia đình chị được hoàn toàn sở hữu bò mẹ. Ðến nay, bò mẹ đẻ thêm được 8 lứa, không chỉ giúp gia đình chị Tâm thoát nghèo mà còn tạo động lực mạnh mẽ giúp chị vươn lên trong phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập khá từ nuôi bò. “Nhà nước đã tạo điều kiện, mình phải cố gắng vươn lên mới thoát được nghèo. Nếu mình cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ, không nghĩ cách làm ăn, không biết cố gắng thì khó thoát nghèo!” - chị Tâm chia sẻ.

Năm 2022, gia đình ông Tráng Giống Sùng, bản Chua Ta 1, xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) tham gia mô hình trồng bí xanh bằng phương pháp leo giàn kết hợp bón phân hữu cơ vi sinh trên diện tích 1ha do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông triển khai thực hiện. Ông Sùng cho biết: Trước đây gia đình có đất sản xuất nhưng canh tác kém hiệu quả, thậm chí có vụ bỏ hoang. Ðược sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ nông nghiệp triển khai mô hình bí xanh leo giàn, trên 1ha canh tác theo quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ cho thu nhập khoảng 29,2 triệu đồng, tăng hơn 12 triệu đồng/ha so với lúa, ngô nương. Hàng năm gia đình thu nhập 30 - 40 triệu đồng từ trồng bí.

Thời gian qua, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ có điều kiện cho người nghèo vươn lên phát triển kinh tế đã được các cấp, ngành triển khai hiệu quả và nhân rộng. Ðặc biệt, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người nghèo. Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy việc quan trọng nhất là “trao cần câu”, tạo cho người nghèo nguồn sinh kế hiệu quả, để từ đó có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững. Ðặc biệt, các chính sách hỗ trợ theo kiểu có điều kiện đã khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo thống kê, từ nguồn vốn các chương trình khuyến nông, giai đoạn 2016 - 2021, với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng toàn tỉnh đã phát triển được 217 mô hình khuyến nông; trong đó có 182 mô hình về trồng trọt và 35 mô hình chăn nuôi, thủy sản. Giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững) tiếp tục đầu tư gần 170 tỷ đồng thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp. Chuyển từ việc “cho con cá” sang hỗ trợ “cần câu” thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thoát nghèo của người dân, dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại để tích cực học tập, đổi mới cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bài, ảnh: Thành Ðạt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/208482/ho-tro-%E2%80%9Ccan-cau%E2%80%9D-giup-nguoi-ngheo-vuon-len