'Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân'

'Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân'. Đây là hai câu thơ trong bài thơ 'Đất nước' của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hôm nay bỗng ùa về khi lẩn thẩn nghĩ về chuyện đổi tên, đặt lại tên xã, phường sau khi tách nhập đang nóng lên ở rất nhiều địa phương trên cả nước.

Một góc Ngũ Điền (Phong Điền) dự kiến sẽ trở thành phường. Ảnh: Lê Thọ

50 huyện và 1.243 xã sắp xếp, sáp nhập

Mấy người lớn tuổi ở làng, nhắn tin kiểu hoang mang, bảo “tin vui là tới đây xã mình sẽ nâng cấp lên phường, huyện mình sẽ nâng cấp lên thành thị xã thuộc thành phố Huế. Nhưng tin buồn là nhiều khả năng, xã Điền Hải của mình sẽ có tên mới vô cùng xa lạ, không rõ ý nghĩa là xã Hải Phong sau khi sáp nhập với xã Phong Hải bên cạnh”.

Những hoang mang kiểu như thế, bây giờ không chỉ có ở Huế mà đã, đang xảy ra ở khắp nơi trên toàn quốc. Bởi theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tới đây cả nước có 56 địa phương với 50 huyện và 1.243 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Và gần như địa phương nào có chuyện sáp nhập làng xã là địa phương đó, người dân lại tâm tư vì chuyện mất tên cũ, xa lạ với tên mới.

“Tên làng là thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa” - nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Tùng (Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp), tác giả cuốn “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (Nxb Trí Thức, 2019) – nêu quan điểm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tùng cho rằng: Việc xóa bỏ, thay đổi vội vàng tên các làng cũ và thay vào đó là những con số (như thôn 1, thôn 2 chẳng hạn) sẽ làm nhạt phai lịch sử hoặc cắt đứt mối ràng buộc giữa các thế hệ cư dân tương lai và quá khứ; đồng thời làm cho những nỗ lực giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương khó khăn hơn.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong bài thơ “Đất nước” đã có hai câu thơ gần như khái quát được “mối ràng buộc giữa các thế hệ cư dân tương lai và quá khứ” qua việc đặt tên làng, tên xã: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân”. Và không có ví dụ nào sinh động hơn cho hai câu thơ này bằng cái tên Hải Châu (bây giờ là quận Hải Châu) của thành phố Đà Nẵng.

Nguyên từ hơn 500 năm trước, 42 chư phái tộc thuộc làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã theo vua Lê Thánh Tông vào Nam khai phá đất đai và lập nên làng Hải Châu ở Đà Nẵng. Đình làng Hải Châu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng. Như vậy là cái tên Hải Châu, từ làng thành quận như bây giờ đã có một lịch sử dài hơn 500 năm nhưng vẫn kết nối liền mạch được với cội nguồn của Hải Châu - Đà Nẵng với Hải Châu - Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Không nên ghép tên kiểu cơ học

Cách đây hơn 20 năm, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phường Hải Châu được nâng cấp thành quận Hải Châu. Tuy nhiên, chính quyền thành phố vẫn khéo léo, giữ lại địa danh phường Hải Châu 1 (phân biệt với địa danh cấp quận cũng tên Hải Châu), sáp nhập từ hai phường trung tâm thành phố. Đây là việc làm rất có ý nghĩa mang tính tôn trọng lịch sử và còn nhằm giáo dục lòng tự hào quê hương, dân tộc truyền đời qua bao thế hệ.

Tuy nhiên bây giờ, rất nhiều địa danh có tính lịch sử lâu đời ở nhiều địa phương trên cả nước lại không có được sự may mắn như vậy. Mà thời sự nhất mấy hôm nay là chuyện xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với lịch sử hàng trăm năm. Đây là xã – làng khoa bảng tiêu biểu của xứ Nghệ, gắn với nhiều danh nhân như Hồ Phi Tích, Hồ Sỹ Dương, Hồ Sĩ Đống, Văn Đức Giai, Hồ Tùng Mậu… Tuy nhiên tới đây, làng - xã này sẽ bị ghép tên với xã Quỳnh Hậu bên cạnh và sẽ có tên mới dự kiến là Đôi Hậu!

Ngoài ra, khi sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa, dự kiến tên xã mới là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh, dự kiến tên xã mới là Minh Lương; sáp nhập xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ, dự kiến tên xã mới là Hải Thọ; sáp nhập xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận, dự kiến tên xã mới là Thuận Long…

Rõ ràng, đây là những sự ghép tên xã kiểu cơ học, không có ý nghĩa của chính quyền địa phương, ban đầu tưởng không mất lòng ai nhưng kết quả hóa ra ai cũng cảm thấy mất lòng!

Hay hồi cuối tháng 3/2024, UBND huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có thông báo kết luận, thống nhất tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh, cùng địa bàn hai xã Diên Đồng, Diên Xuân thành phường Phú Thành.

Lập tức, người dân đồng loạt phản đối mạnh mẽ và cho rằng tên mới này lạ lẫm, không đủ tầm để đại diện cho một địa danh có di tích lịch sử như thành cổ Diên Khánh vốn đã định danh được ghi nhận trong sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn từ năm 1742, gắn liền với công cuộc khai khẩn, mở mang, gìn giữ bờ cõi của đất nước.

Vẫn biết rằng, suy cho cùng thì văn hóa không phải chỉ có “đọng” mà còn rất “động”, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vẫn biết rằng, chuyện sáp nhập làng – xã là bước sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ là nhằm khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển, đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn là việc phải làm theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn rất cần một sự cân nhắc, lưu tâm nghiêm túc của những người có trách nhiệm để không làm mất đi giá trị, hồn cốt của những địa danh qua việc ghép tên cơ học và có phần tùy tiện.

Cuối cùng thì quan trọng nhất vẫn là làm sao có được sự đồng thuận trong dân như Bác Hồ từng dạy: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.

Khánh Tường

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/ho-ganh-theo-ten-xa-ten-lang-trong-moi-chuyen-di-dan-140436.html