Hồ Duy Lệ và Cuộc tình vùng đất lửa

Trong buổi ra mắt tập sách 'Cuộc tình vùng đất lửa' do Báo Quảng Nam và tác giả Hồ Duy Lệ - nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam tổ chức, nhà văn đã xúc động chia sẻ: 'Làm cuốn sách này để kỷ niệm 70 năm chia đôi đất nước, mà cuộc chia ly này để lại tình yêu, đau khổ và có cả hạnh phúc trên mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng, trong đó có gia đình tôi. Một cuộc chia ly đầy nước mắt, đau đớn vô cùng...' (*)

Bìa tập sách "Cuộc tình vùng đất lửa".

31 câu chuyện tập hợp trong một đầu sách dày hơn 400 trang, được thể hiện trong thể bút ký rất sinh động của một nhà văn được định vị với xứ Quảng với nhiều tác phẩm văn chương về đề tài chiến tranh cách mạng. Theo người viết bài này, đó là một văn phong giản dị, khúc chiết, súc tích, giàu chi tiết; cách xưng hô của nhân vật đậm chất "lời ăn tiếng nói" của người quê Quảng Nam. Điều đặc biệt lôi cuốn hơn, hầu hết các câu chuyện tác giả gần như là người trong cuộc, có chuyện tác giả trực tiếp chứng kiến, có chuyện tác giả nghe, thấy và kể lại từ các trang viết của người trong cuộc…

Không gian vùng đất lửa trong tập sách chính là quê hương tác giả sinh ra lớn lên. Một vùng quê cách mạng đau thương ngút trời khi khói lửa chiến tranh hiện lên qua từng mái nhà, ngõ xóm, đường thôn…Trong sự khốc liệt đến kiệt cùng bến bờ sinh tử ấy vẫn ánh lên vẻ đẹp lấp lánh của những tâm hồn cao thượng, của những con người với những ước vọng đẹp đẽ, sáng trong, nghĩa tình đồng chí, đồng đội, tình bạn bè, tình yêu lứa đôi vằng vặc vầng trăng soi trên dòng nước Thu Bồn.

Những chuyện tình trong các câu chuyện mà nhà văn Hồ Duy Lệ kể, có không gian trải rộng từ rừng xuống biển, từ nông thôn đến đô thị, từ người dân thường, anh phục vụ, cô giao liên đến những nhà lãnh đạo cách mạng tên tuổi. Đó là nguyên cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, các đồng chí cách mạng tiền bối như Hồ Nghinh, Vũ Trọng Hoàng, Cao Sơn Pháo, Phạm Tứ (Mười Khôi), Trần Thận, Chu Huy Mân, Nguyễn Huy Chương, Mười Chấp, Năm Dừa…

Là người làm báo trong chiến tranh, nhà văn Hồ Duy Lệ từng công tác và gắn bó với nhiều văn nghệ sĩ, nhất là các văn nghệ sĩ từ Bắc vào Nam công tác chiến đấu nên câu chuyện tình vùng đất lửa còn là những câu chuyện hết sức cảm động về các văn nghệ sĩ mà ông quen biết và cùng chung những ngày tháng nếm mật nằm gai, những khoảnh khắc lắng đọng đau thương, mất mát không gì bù đắp được. Đó là chuyện tình của nhà văn Chu Cẩm Phong, nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà thơ Tế Hanh, Thu Bồn…

Nhiều đoạn văn, những câu chữ khắc khoải, đau đáu, trăn trở như: "Mỗi lần qua đoạn đường này, tôi tự hỏi, giữa nhà văn Chu Cẩm Phong và nghệ sĩ múa Phương Thảo có hẹn hò gì không mà cả hai đều chia tay với thượng nguồn Trà My-Thu Bồn, đi công tác, rồi hy sinh, nằm lại trên biền dâu, bên bờ sông Thu Bồn, chỉ cách nhau chừng hai cây số?"… "chị chỉ sống được hai con giáp, tròn 24 xuân xanh. Chị mất khi đang yêu và còn đầy trong trắng…" (Ngôi sao băng trên biền dâu)

Tác giả bài viết và nhà văn Hồ Duy Lệ.

Đó là câu chuyện "Đêm xuân" với nhân vật cô Lê Thị Chủng- một chứng nhân cho tội ác quân thù gây ra tại đập Vĩnh Trinh, trong đó có chồng cô vào đêm 29 tết Ất Mùi 1955. Và đâu chỉ có thế, người chồng thứ hai cũng là một chiến sĩ cách mạng hoạt động cơ sở cũng hy sinh vào một đêm xuân những năm tháng sau đó. Có ai thấu hiểu vì sao giữa đêm xuân người cô phụ ấy lại khóc (To live to the point of tears - Sống cho đến mức phải rơi lệ). Đó là câu chuyện tình của nhà thơ Tế Hanh với người vợ đầu tiên quê La Kham, Gò Nổi. Sau này vì điều kiện chia xa, Tế Hanh có vợ khác rồi tập kết ra Bắc, nhưng câu chuyện tình của họ đâu chỉ có duyên gặp gỡ mà còn có nợ những sợi dây nghĩa tình sâu nặng, khi có một người đàn ông khác yêu thương người con gái đã có con và chăm lo cả hạnh phúc gia đình …Ngày họ gặp lại nhau cũng là ngày:"Cơn bão tạnh lâu rồi/ hàng cây xanh thắm lại/ nhưng em đã xa xôi/ và cơn bão lòng ta thổi mãi" (Những cơn bão lòng thổi mãi- Tế Hanh).

Đó là câu chuyện tình của nhà thơ mang tên con sông mẹ Thu Bồn- người đã viết trường ca dài 233 câu, đoạt giải Bông sen vàng Đại hội các nhà văn Á Phi năm 1964. Thu Bồn đã từng ghi vào sổ tay: "Cô bé Ba Na có cái tên Hia ấy luôn ngơ ngác và sáng trong nhìn tôi trong cái đêm ấy có bao giờ đọc được bản trường ca tôi viết ra dưới ánh sáng của ngọn lửa từ trong tay cô không? Tôi cảm thấy bùi ngùi". (Thu Bồn mang tên con sông mẹ)…

Có một thông điệp mà cuốn sách mang đến bạn đọc thật nhân văn đó là tình người trong chiến tranh mà nhà văn lão thành Hồ Duy Lệ năm nay đã 83 tuổi vẫn miệt mài lao động để xuất bản tập sách dày đến 420 trang. Tâm sự về chặng đường làm văn, nhà văn Hồ Duy Lệ kể, những ngày đầu chia tách tỉnh (1997), ông vào Quảng Nam làm Tổng Biên tập Báo Quảng Nam tình cờ gặp nhà văn Nguyễn Khắc Phục (từng là bạn trên rừng nay đã qua đời) động viên ông "Răng mi không viết mi"… Câu nói đó tác động đến ông ghê gớm. Thế là ông không chỉ chuyển từ báo sang văn mà cùng với viết báo, đầu tàu trong vai trò quản lý một tờ báo đảng địa phương, ông lại có một công việc mới đầy trách nhiệm và nhiệt huyết đó là làm văn.

Với nhà văn Hồ Duy Lệ như những gì tôi biết về ông hơn một phần tư thế kỷ thì từ "làm văn" mới thật chính xác. Làm ở đây là lao động một cách đầy đủ nhất nội hàm từ này. Bởi từng tác phẩm ra đời, từng câu chuyện kể được đưa lên trang sách với mỗi một nhân vật ông phải đi lại nhiều lần để thu thập tư liệu cộng với vốn sống của mình rồi mới viết. Đó là chưa kể, có những câu chuyện trước khi viết thường là ông ngồi kể với bạn văn cũng từng đi qua những năm tháng chiến tranh, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Bá Thâm để nghe và đánh giá. Nói điều này để khẳng định một điều: công việc viết văn của Hồ Duy Lệ, đặc biệt tác phẩm về chiến tranh cách mạng, trong đó có cả chuyện kể về những cuộc tình cũng rất kỹ càng, chi tiết và tôn trọng sự thật.

Như trong lời đề từ tập sách, thay lời giới thiệu chính tác giả đã viết: "Trên đời này không có gì khó khăn hơn là viết những trang văn xuôi lương thiện, giản dị về con người". Thấm thía lời của nhà văn vĩ đại Ernest Hemingway, tôi cố gắng làm việc và ghi lại những ký ức của những con người từng trải qua cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt và đầy gian nan cùng người dân quê tôi mà tôi có may mắn có mặt..".

Ngay tại buổi ra mắt tập sách, nhà văn Hồ Duy Lệ tâm đắc nhắc nhớ về câu nói của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Những con người ta không còn gặp nữa/ đặt lên vai anh gánh nặng cuối cùng". Và nhà thơ Hồ Duy Lệ tự thấy trách nhiệm của mình và tự nhủ mình: Phải viết!

V.V.T

------------------

(*): Tập sách ra mắt kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve - chấm dứt chiến tranh giữa Việt Nam và thực dân Pháp nhưng lại bắt đầu cuộc chiến kéo dài đến hơn 20 năm mới đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ho-duy-le-va-cuoc-tinh-vung-dat-lua-post293088.html