Hộ chiếu Việt Nam làm gì để tăng quyền lực trên bảng xếp hạng?

Hộ chiếu Việt Nam đang giảm 5 bậc và ở nhóm cuối trong khu vực. Như vậy, sau nhiều lần công bố, thứ hạng hộ chiếu Việt Nam vẫn chưa được cải thiện.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) năm 2024 vừa mới công bố ngày 10/1, hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 87 trên tổng 104 bậc, giảm 5 bậc so với lần xếp hạng gần nhất hồi tháng 7/2023 (xếp thứ 82).

Như vậy, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn nằm top cuối, chỉ đứng trên Lào và Myanmar. Theo đó, người Việt Nam cầm hộ chiếu phổ thông hiện nay chỉ có thể đi đến 51 điểm trên thế giới mà không cần xin thị thực.

Bảng xếp hạng Chỉ số hộ chiếu Henley do Công ty Tư vấn cư trú và Quốc tịch toàn cầu Henley & Partners, có trụ sở tại London (Anh), thực hiện từ năm 2005. Thống kê được thực hiện từ 199 hộ chiếu các nước/vùng lãnh thổ và 227 điểm đến du lịch trên thế giới để đánh giá, xếp hạng.

Việc đánh giá, xếp hạng hộ chiếu dựa trên dữ liệu độc quyền của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cứ mỗi điểm đến được miễn visa, hộ chiếu quốc gia đó sẽ được cộng 1 điểm.

Hộ chiếu Việt Nam cần tiếp tục cải thiện về thứ hạng. Ảnh: MH

Việc tụt hạng trên bảng xếp hạng hộ chiếu trên thế giới gây không ít quan ngại về mức độ cải thiện quyền lực, thứ hạng của hộ chiếu Việt Nam trong thời gian qua. Tuy vậy, theo các chuyên gia du lịch, thứ tự xếp hạng hộ chiếu chỉ là đánh giá của một tổ chức uy tín, không có nghĩa nhờ việc tăng hạng mà việc xin visa nhập cảnh với các nước dễ hơn. Các nước trên thế giới không bắt buộc dựa vào đánh giá này để nới lỏng việc cấp visa cho công dân bất kỳ quốc gia nào.

Theo khuyến nghị, khách du lịch Việt Nam muốn xin visa dễ dàng hơn thì bản thân mỗi công dân đều phải có ý thức tuân thủ quy định pháp luật khi ra nước ngoài. Về phía các công ty du lịch cũng cần quản lý khách chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trốn ở lại lao động bất hợp pháp, gây ấn tượng xấu với các quốc gia khác.

Cùng với ý thức của mỗi công dân, các ý kiến khác cũng cho rằng, để cải thiện quyền lực của hộ chiếu là một quá trình lâu dài, chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, việc cải thiện quyền lực, hay thứ bậc của hộ chiếu không chỉ đổ lỗi cho hành vi tiêu cực của một số công dân mà quá trình nâng cao quyền lực tấm hộ chiếu còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ, cơ quan Bộ, ngành trong việc cải thiện vị thế quốc gia, cho tới những nhiệm vụ cụ thể như đàm phán những thỏa thuận có lợi hơn cho công dân.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 20/7/2023, lên tiếng về thông tin hộ chiếu Việt Nam xếp hạng thứ 82/199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số Hộ chiếu Hanley" (Hanley Pasport Index) công bố ngày 18/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng đã chia sẻ về kế hoạch của Việt Nam trong việc tiếp tục nỗ lực đàm phán với các nước để tăng số điểm đến được miễn thị thực cho công dân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh, thời gian qua cũng như trong thời gian tới đây, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đề nghị xem xét việc đơn giản thủ tục cung cấp thị thực hoặc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam vào các nước đối tác trong các cuộc tiếp xúc. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và các nước giao thương đi lại, tăng cường giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-chieu-viet-nam-lam-gi-de-tang-quyen-luc-tren-bang-xep-hang-298284.html