HMS Diamond vội về cảng nằm ụ sau 3 lần đánh chặn UAV Houthi

Theo UK Defence, khu trục phòng không HMS Diamond của Hải quân Anh đã phải về cảng bảo dưỡng sau hai tháng triển khai ở Biển Đỏ.

Lần khai hỏa hiếm hoi của HMS Diamond đánh chặn UAV Houthi.

Vội vã về cảng

Thông báo của Hải quân Anh hôm 6/2 cho biết: "Chiến hạm HMS Diamond về cảng bảo dưỡng. Tàu hộ vệ HMS Richmond sẽ thay thế nó, đảm nhận nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm quyền tự do đi lại ở Biển Đỏ khi Houthi tiếp tục tấn công tàu hàng liên quan đến Israel, Mỹ, Anh".

Chiến hạm HMS Diamond bắt đầu tham gia Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (OPG), hoạt động bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu, từ tháng 12/2023 và duy trì hiện diện gần như liên tục ở khu vực tàu hàng dễ bị tấn công nhất trên Biển Đỏ.

"Khu trục hạm HMS Diamond đã bị lực lượng Houthi tấn công ít nhất 3 lần, đánh chặn thành công 9 máy bay không người lái (UAV) bằng hệ thống tên lửa Sea Viper đẳng cấp thế giới và pháo trên hạm", Hải quân Anh cho biết thêm.

Quyết định thay thế tàu chiến thường trực ở Biển Đỏ của Anh có thể khiến năng lực tác chiến của OPG bị suy giảm, do HMS Richmond chỉ trang bị tối đa 32 tên lửa phòng không Sea Ceptor với tầm bắn 25 km, so với 48 quả đạn Sea Viper đạt tầm bắn 110 km của HMS Diamond.

Chiến hạm HMS Diamond là chiếc thứ ba thuộc lớp Type 45, mẫu chiến hạm được cựu tư lệnh hải quân Anh Alan West mô tả là mạnh nhất lịch sử nước này và cũng là "tàu khu trục phòng không tốt nhất thế giới".

Ngày 15/12/2023, HMS Diamond bắn rơi UAV của Houthi bằng tên lửa Sea Viper, đánh dấu lần đầu hải quân Anh giao chiến với phi cơ đối phương trong hàng chục năm.

Lỗ hổng không chỉ của Anh

Đánh giá về việc triển khai HMS Diamond và nhiệm vụ chiến hạm này có thể hoàn thành, cựu nghị sĩ Anh Matthew Gordon-Banks cho biết, năng lực của Hải quân Anh đã bộc lộ lỗ hổng nghiêm trọng khi tham gia OPG.

Mỹ và các đồng minh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi từ ngày 12/1. Tuy nhiên, hóa ra không có tàu chiến nào của Hải quân Anh có thể bắn tên lửa vào các mục tiêu trên đất liền, buộc Anh phải điều động các máy bay phản lực của Không quân Hoàng gia đóng ở cách đó 1.500 dặm để thực hiện nhiệm vụ.

Cuối cùng, Mỹ phải thực hiện hầu hết các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi. Trong khi các tàu khu trục của Mỹ có thể bắn tên lửa Tomahawk thì các tàu quân sự của Anh chỉ có thể đánh chặn ở khoảng cách không ấn tượng.

Nghị sĩ Anh cho biết, Tên lửa tấn công hải quân do Na Uy sản xuất trang bị cho chiến hạm Anh, có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên bộ, "chỉ được lắp đặt trên một tàu cho đến nay là một phần của cuộc thử nghiệm và vẫn chưa được khai hỏa".

"Rõ ràng đây là một vụ bê bối và hoàn toàn không thể chấp nhận được", vị quan chức này cho biết thêm.

Truyền thông Anh và phương Tây còn trích dẫn thêm lời Chuẩn Đô đốc Chris Parry, một cựu sĩ quan hải quân cấp cao, người đã cảnh báo rằng việc thiếu tên lửa đất đối đất thích hợp đã khiến hải quân bị lộ:

"Điều lo ngại thực sự là chúng ta sẽ không thể đối đầu với các đối thủ mạnh như Nga trong các hành động chạm trán và chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều những vấn đề này", ông nhấn mạnh.

Theo Matthew Gordon-Banks, nhà tư vấn quan hệ quốc tế, cựu thành viên quốc hội và nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Quốc phòng Vương quốc Anh, giới lãnh đạo Anh rõ ràng đã tính toán sai lầm khi quyết định tham gia chiến dịch 'Người bảo vệ thịnh vượng' của Washington.

Gordon-Banks nói: "Những ước tính chính thức của Anh về năng lực hải quân của mình có xu hướng bị thổi phồng quá mức. Không phải lần đầu tiên có phản ứng tức thời nhằm che đậy cho hành động quân sự của Mỹ. Nếu những hành động này biến thành 'chiến dịch Yemen' thì chúng ta có thể đã phạm một sai lầm rất nghiêm trọng".

Cựu nghị sĩ giải thích rằng: "Anh đã không nghĩ đến hậu quả của hành động của mình trước khi gửi tàu tới Biển Đỏ trong khi các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu khác lại thận trọng và thực tế hơn".

Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần mài giũa các công cụ ngoại giao của mình để không tạo ra xung đột rộng hơn trong khu vực".

Khi được hỏi liệu có hợp lý khi mong đợi căng thẳng giảm dần trước sự suy giảm lực lượng của phương Tây hay không, chính trị gia người Anh trả lời:

"Chìa khóa để giảm căng thẳng ở Biển Đỏ là giảm leo thang xung đột ở Gaza và Israel càng nhanh càng tốt. Hành động của Mỹ và Anh nói riêng có nguy cơ cao khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn. Thực tế các cuộc tấn công cho thấy, năng lực của cả Mỹ và Anh đều không mạnh như nhiều người nghĩ hoặc muốn tin tưởng".

Clip chiến hạm Anh khai hỏa tại Biển Đỏ.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hms-diamond-voi-ve-cang-nam-u-sau-3-lan-danh-chan-uav-houthi-post671510.html