Hình thành hệ sinh thái doanh nông 'xanh' từ chương trình Khởi nghiệp Xanh

Sáng 21.3, Trung tâm BSA đã phát động và triển khai chương trình Khởi nghiệp Xanh và Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, phát biểu khai mạc sự kiện.

Chương trình Khởi nghiệp Xanh được tổ chức từ năm 2013 đến nay, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) chủ trì cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC).

Trong khi đó, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh sau 9 lần tổ chức đã triển khai đến 63 tỉnh thành trên cả nước, tỉ lệ tăng trưởng số lượng dự án/ mô hình tham gia vào hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp BSA đều đặn từ 15-20%/năm.

Chương trình được thiết kế để phát triển khả năng kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm của các nông dân trẻ, tăng cường đội ngũ doanh nhân theo hướng kinh tế xanh, phát triển bền vững; khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trẻ trong các lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tạo tác động xã hội.

Gian hàng trưng bày của Mr Mướp Đỗ Đăng Khoa - quán quân của cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2023 với Dự án “Kết nối con người với tự nhiên”. Sản phẩm của dự án này đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản và có thị trường xuất khẩu ổn định từ các đối tác Nhật và Hàn Quốc. Ảnh: Trà My

Theo Ban tổ chức, sau gần 11 năm triển khai chương trình Khởi nghiệp Xanh và 9 lần tổ chức Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo, BSA đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước, với gần 1.000 mô hình khởi nghiệp. 10 năm hành trình của Chương trình Khởi nghiệp Xanh tạo ra một hệ sinh thái doanh nông trẻ, tự tin khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp. Họ muốn phát triển bản thân, tạo sinh kế cho gia đình và cộng đồng cũng như phát triển nhiều sản phẩm hay, tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, thiên nhiên… đồng thời góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, thành thị, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Khởi nghiệp Xanh đã hình thành nên lớp doanh nông trẻ tiềm năng khao khát đổi mới và sáng tạo, phát triển nông nghiệp bền vững. Đội ngũ doanh nông "xanh" này chú trọng đến thực hiên các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp cần thiết để vươn lên, đứng vững trên thị trường và thu hút đầu tư. Trở thành lực lượng doanh nghiệp tiềm năng của Hội DN HVNCLC, HVNCLC chuẩn hội nhập.

Cũng theo Ban tổ chức cuộc thi, năm 2024, chương trình Khởi nghiệp Xanh tiếp tục các buổi tập huấn, huấn luyện cơ bản và nâng cao, chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, startup day theo các chủ đề khác nhau. Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài. Cùng với đó là các study tour – kết nối nguồn lực, các Talk - Thứ 7 khởi nghiệp…

TS. Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, chia sẻ về chủ đề "Những phức cảm tích hợp thực hành du lịch chậm trong bối cảnh mới". Ảnh: Trà My

Trong khi đó, cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần 10 được chia thành hai bảng. Đối tượng tham gia cuộc thi gồm: các cá nhân, tập thể: là sinh viên/ tổ hợp tác/ hợp tác xã/ doanh nghiệp trên phạm vi cả nước có ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ, dự án khởi nghiệp nhằm bảo tồn văn hóa, sản phẩm địa phương, góp phần phát triển và nâng cao giá trị từ tài nguyên bản địa; Các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh nông sản trong các doanh nghiệp, các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; Các cá nhân, tập thể, dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đã tham gia, đã có các giải thưởng trong cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp do quốc tế, quốc gia, và cấp khu vực, BSA và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức.

Các dự án này phải có yếu tố mới, phát triển hoàn thiện hơn so với dự án đã tham gia các kỳ thi trước. Cuộc thi không giới hạn độ tuổi, giới tính, dân tộc, địa phương.

Phát biểu tại sự kiện phát động và triển khai chương trình Khởi nghiệp Xanh và Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh phát triển bền vững - lần thứ 10, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA, chia sẻ: "Doanh nông là tổng hợp của bốn yếu tố: sáng tạo, không ngừng học học, luôn luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cơ hội thị trường và thứ tư là không sợ thất bại. Để tiếp tục gây dựng, củng cố các đặc điểm này, thì trong năm nay việc lan tỏa kiến thức, cơ hội thị trường sẽ phải được chú trọng hơn...

Năm 2024 là năm đứng trước thách thức của bước ngoặt phát triển mới, cũng có nghĩa là bước ngoặt hiểm nghèo. Nếu chúng ta không siêng học, siêng chuyển hóa, siêng lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại, nhưng các doanh nông là những người không bao giờ sợ thất bại và sẽ luôn tiến về phía trước”.

* Cũng trong khuôn khổ sự kiện đã phát động và triển khai chương trình Khởi nghiệp Xanh và Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh phát triển bền vững - lần thứ 10, BSA cũng đã tổ chức tọa đàm: “Kinh nghiệm xúc tiến thương mại – những câu chuyện có thật”. Tại tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã chia sẻ các vấn đề được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm, như: Kinh nghiệm xúc tiến thương mại quốc tế cho doanh nghiệp và khởi nghiệp Việt Nam, những phức cảm tích hợp thực hành du lịch chậm trong bối cảnh mới, nhượng quyền phân phối và hướng đi mới cho ngành bán hàng online, cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường EU, kích hoạt nguồn lực để thâm nhập thị trường quốc tế...

Cuộc thi Khởi nghiệp Xanh lần 10 được chia thành hai bảng:

Bảng A: Dự án là cá nhân/ nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường, thời gian triển khai hoạt động dự án dưới một năm.

Bảng B: Dự án là cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác/ hợp tác xã doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên một năm (căn cứ theo thời gian cấp GCN/ Giấy thành lập doanh nghiệp/ hợp tác xã). Có sản phẩm/ dịch vụ đã được thương mại hóa và thời gian hoạt động không quá 5 năm kế từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

Các lĩnh vực của cuộc thi: Các dự án sản xuất, thương mại dịch vụ, kinh doanh về các lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp; Công nghệ thực phẩm chế biến; Công nghệ sinh học; Du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; Mô hình sinh kế thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; Mô hình Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các lĩnh vực khác có tiềm năng góp phần vào việc bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa, đặc sản bản địa, thu nhập cho địa phương.

Tổng giá trị giải thưởng chính là 760 triệu đồng, trong đó 210 triệu đồng tiền mặt. Cùng với đó là 16 giải thưởng các loại.

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hinh-thanh-he-sinh-thai-doanh-nong-xanh-tu-chuong-trinh-khoi-nghiep-xanh-43061.html