Hình ảnh và phát ngôn ấn tượng tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 thu hút và hội tụ sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là giới chuyên gia kinh tế quốc tế, trong nước và cộng đồng doanh nghiệp...

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024. Ảnh: Việt Dũng

Sáng 11-1, tại Hà Nội, Diễn đàn thường niên lần thứ 16 “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 - Vietnam Economic Scenarios” được tổ chức với chủ đề: “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”. Diễn đàn do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp tổ chức.

Diễn đàn VESF lần thứ 16 có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan nhà nước gồm: Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng đại diện các ủy ban của Quốc hội; cục, vụ, viện các bộ ngành trung ương, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp...

Với sức chứa hơn 350 chỗ, khán phòng chính nơi diễn ra sự kiện đã không còn chỗ trống. Hầu hết các đại biểu tham dự Diễn đàn đều có chung nhận định, chủ đề được lựa chọn của Diễn đàn VESF lần thứ 16 thực sự rất phù hợp với bối cảnh hiện nay...

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng diễn đàn năm nay diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho biết năm nay sẽ đánh giá sơ kết nhiều Nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân, Nghị quyết 11 về thể chế, Nghị quyết 12 về doanh nghiệp Nhà nước, 5 năm triển khai Nghị quyết 52 về việc chủ động tham gia 4.0 và đánh giá 4 năm triển khai Nghị quyết 45 về năng lượng. Do đó tại Diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương rất mong muốn lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện những Nghị quyết trên.

Ông Suan Teck Kin, CFA Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu Tập đoàn UOB, cho rằng: "Việt Nam đã vượt qua một năm khó khăn với mức tăng trưởng 5,05%. Triển vọng đầy hứa hẹn trong năm 2024. Khu vực hóa/phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng – các hoạt động “friend-shoring” sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư (FDI) vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động". Theo ông Triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn: Tăng chi tiêu vốn để nâng cao năng suất và hiệu quả nhằm tiếp tục phát triển trong tương lai.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định: "Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã lắng nghe những khuyến nghị, “hiến kế” của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế. Hầu hết các đại biểu cho chung nhận định, những thông tin được cung cấp từ các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp cung cấp tại Diễn đàn đều có hàm lượng thông tin chất lượng, bên cạnh đó là các giải pháp hữu ích...

Sau phần tham luận là 2 phiên thảo luận, nơi thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Phiên 1 với chủ đề “Bối cảnh quốc tế mới: Thách thức và động lực tăng trưởng mới đối với Việt Nam”, Phiên 2 với chủ đề “Thúc đẩy Cơ chế chính sách, phát huy nội lực và thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”...

Với sự điều hành của Đại sứ Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phiên thảo luận thứ nhất đã ghi nhận được những ý kiến, giải pháp mới của nhiều chuyên gia kinh tế nhằm góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam...

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC, dành nhiều thời gian để phân tích các vấn đề liên quan đến thị trường tài chính cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị trong giai đoạn mới...

Trong thời gian giải lao giữa các phiên tham luận, thảo luận, các đại biểu đã tranh thủ trả lời phỏng vấn của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí...

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Tiến sĩ Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rằng với những đánh giá độc lập, đa chiều từ xu hướng tới thực tiễn phù hợp điều kiện của Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh phát triển của khu vực và thế giới, Diễn đàn lần này đã đề cập và phân tích các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy thực thi các động lực tăng trưởng mới. Sự tham gia trao đổi và phản hồi của đại diện các ban, bộ, ngành sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, xác thực thông tin.

Sau gần 4 tiếng làm việc liên tục, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 đã kết thúc thành công. Sự kiện kinh tế khởi đầu năm 2024 đã ghi nhận những điểm sáng của kinh tế Việt Nam đồng thời chỉ rõ nhiều thách thức. Tuy nhiên, các đại biểu đều cho biết, có dự cảm tốt với năm 2024.

Song Hoàng - Việt Dũng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hinh-anh-va-phat-ngon-an-tuong-tai-dien-dan-kich-ban-kinh-te-viet-nam-2024.htm