Hình ảnh Uragan bị đạn của HIMARS phá hủy

Pháo binh Ukraine vừa dùng đạn tên lửa chính xác của HIMARS tấn công và phá hủy hai hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan của Nga.

Hệ thống BM-27 Uragan trước khi trúng đạn.

Hệ thống BM-27 Uragan trước khi trúng đạn.

Trong tuyên bố hôm 9/7, lực lượng Pháo binh Ukraine cho biết, các binh sĩ của họ đã sử dụng Tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) của hệ thống HIMARS tấn công và phá hủy ít nhất 2 tổ hợp BM-27 Uragan của Nga trên mặt trận Zaporizhzhia.

"Vụ tấn công được thực hiện sau khi chúng tôi nhận được thông tin chính xác về tọa độ của lực lượng Nga từ lực lượng tình báo trên chiến trường. Những quả đạn GMLRS được phóng đi đã tấn công BM-27 với độ chính xác cực cao", một đại diện của Pháo binh Ukraine cho biết.

Lực lượng này cho biết thêm rằng, sau khi trúng đạn GMLRS, những tổ hợp BM-27 Uragan đã phun khói đen dày đặc kèm theo đó là ngọn lửa bùng lên. "Mục tiêu đã bị loại khỏi vòng chiến đấu dù đã mặc giáp lồng - thiết bị có thể đối phó với vũ khí cỡ nhỏ từ UAV", Pháo binh Ukraine cho biết thêm.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, lực lượng Ukraine đã công bố đoạn video ghi lại toàn bộ quá trình tấn công BM-27 Uragan. Hiện lực lượng Nga chưa có tuyên bố chính thức nào về thông tin và hình ảnh nói trên.

Theo Military Watch, việc binh sĩ Ukraine sử dụng GMLRS tấn công và phá hủy hệ thống pháo phóng loạt tối tân của Nga cho thấy họ đã vận hành nhuần nhuyễn hệ thống HIMARS với bất kỳ loại đạn nào.

Báo Mỹ cho biết, GMLRS là loại tên lửa pháo binh - vũ khí gây nổ có thể được phóng riêng lẻ hoặc hàng loạt, sử dụng nhiên liệu rắn. Quân đội Mỹ lần đầu sử dụng tên lửa pháo binh vào Thế chiến II.

Vũ khí này có thể tấn công mục tiêu bằng đầu đạn phát nổ dễ dàng hơn nhiều so với việc sử dụng một số lượng lớn lựu pháo. Sau Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ hầu như đã từ bỏ loại vũ khí này.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bắt đầu phát triển một phiên bản mới vào những năm 1980, với mục đích tiêu diệt hàng chục nghìn xe tăng và xe bọc thép có thể sử dụng trong cuộc giao tranh ở Tây Âu.

Loại tên lửa pháo binh mới đó được gọi là MLRS - hệ thống tên lửa phóng loạt cải tiến. Tên lửa của nó được bắn ra từ các bó ống phóng nạp sẵn, gọi là pod, có thể thay thế hoặc loại bỏ đồng loạt, trong khi các thế hệ bệ phóng cũ hơn phải nạp đạn thủ công từng tên lửa một.

Mỗi pod chứa 6 tên lửa M26, và mỗi tên lửa mang theo 644 quả bom chùm giống như lựu đạn, có thể xuyên thủng lớp giáp của xe tăng đối phương.

Mỹ lần đầu sử dụng loại đạn này vào năm 1991, trong Chiến tranh Vùng Vịnh, với 17.000 tên lửa M26 bắn vào quân đội Iraq. Tuy nhiên, loại đạn này có tỷ lệ hỏng cao và để lại những mảnh vụn nguy hiểm, có thể phát nổ nếu xử lý sai.

Hàng chục lính Mỹ đã thiệt mạng hoặc bị thương khi gặp phải những quả đạn từ MLRS. Do đó, Lầu Năm Góc đã quyết định loại bỏ dần rocket M26 để chuyển sang một loại vũ khí mới tốt hơn, được gọi là GMLRS.

Trong cuộc xung đột với Nga, với kinh nghiệm sử dụng tên lửa pháo binh, binh sĩ Ukraine đã nhanh chóng thành thạo cả HIMARS và GMLRS. Họ đã tận dụng lợi thế tốc độ của bệ phóng để di chuyển nhanh đến các mục tiêu mới, khai hỏa, nạp đạn nhanh, và rời đi trước khi pháo binh Nga có thể thực hiện đoàn phản pháo.

Đạn tên lửa GMLRS đánh trúng BM-27 Uragan.

Tên lửa của Mỹ có tầm bắn lớn hơn các loại vũ khí thời Liên Xô mà binh sĩ Ukraine đã sử dụng trước đây, và chúng sớm có thể tấn công các mục tiêu mà đối phương cho là an toàn ngoài tầm bắn, chẳng hạn kho vũ khí và sở chỉ huy.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở chỉ huy có thể làm gián đoạn liên lạc, khiến các chỉ huy quân sự phải thay đổi vị trí liên tục, gây khó khăn cho việc chỉ đạo hoạt động tác chiến.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hinh-anh-uragan-bi-dan-cua-himars-pha-huy-post646247.html