Hình ảnh sân bay Điện Biên xưa và nay

Từ một sân bay dã chiến của quân đội Pháp, nhằm tăng viện quân lương, vũ khí cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày nay, sân bay Điện Biên đã trở thành một cảng hàng không hiện đại nhất của khu vực Tây Bắc.

Những ngày đầu tháng 4/2024, có mặt tại sân bay Điện Biên, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí tấp nập, nhộn nhịp tại một cảng hàng không hiện đại, tiên tiến.

Sân bay Điện Biên hiện có một đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác tàu bay A320/A321 hoặc tương đương.

4 vị trí sân đỗ tàu bay, trong đó 3 vị trí đỗ dành cho tàu bay A320/A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ dành cho tàu bay ATR72 hoặc tương đương trở xuống. Cùng với đó là hệ thống đèn tiếp cận CAT I, hệ thống đường công vụ, hệ thống camera và đèn chiếu sáng đảm bảo an ninh...

Nhà ga hành khách gồm 2 tầng, có tổng diện tích sàn là 4.270m2, công suất 500 nghìn hành khách/năm. Tầng 1 bao gồm khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến.

Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.

Nhà ga được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đáp ứng đủ không gian sử dụng phục vụ hành khách, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường hoạt động hàng không cũng như phát triển các dịch vụ phi hàng không.

Ngoài ra, ở nhà ga Cảng hàng không Điện Biên còn bố trí một phòng khách VIP với chất lượng dịch vụ, phục vụ đẳng cấp.

Nhân viên tại Cảng hàng không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và không ngừng được nâng cao trình độ, nghiệp vụ và đạo đức công vụ nhằm nâng cao năng lực phục vụ hành khách, đem lại ấn tượng đẹp cho du khách khi vừa đặt chân tới mảnh đất lịch sử anh hùng.

Hiện nay, mỗi ngày có 3 - 4 chuyến bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Điện Biên và ngược lại. Lượng hành khách đạt khoảng 1.000 khách/ngày.

Anh Nguyễn Văn Nam (45 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: Nếu như trước đây, nhắc đến Điện Biên người ta nghĩ đến cảnh “vời vợi nghìn trùng”. Hiện nay, sân bay Điện Biên đã được nâng cấp, mở rộng, có thể tiếp nhận các tàu bay to như Airbus A321. Nên, đường lên với Điện Biên gần hơn bao giờ hết.

Bác Nguyễn Ngọc Diệp (62 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) đề xuất: Hiện chỉ mới có 2 đường bay là TP.HCM và Hà Nội lên Điện Biên. Để phát huy hết các giá trị lịch sử, du lịch mà nơi đây có được, Điện Biên cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị sớm mở thêm các đường bay mới, thậm chí là đường bay quốc tế.

Sân bay Điện Biên tiền thân là sân bay dã chiến với tên gọi là sân bay Mường Thanh. Được quân đội Pháp xây dựng trước năm 1954, nhằm để tăng viện quân lương, vũ khí cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, sân bay Điện Biên được Quân đội Việt Nam tiếp quản. Đến năm 1958, dịch vụ vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở và do quân đội đảm nhiệm (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).

Từ đó đến nay, sân bay Điện Biên đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, đến năm 2021, sân bay này cũng vẫn chỉ đáp ứng khai thác các máy bay cỡ nhỏ như ATR 72…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng Sân bay Điện Biên. Ngày 15/4/2023, sân bay Điện Biên chính thức đóng cửa để triển khai các hạng mục của dự án và đến ngày 2/12/2023 hoạt động trở lại.

Sỹ Hòa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hinh-anh-san-bay-dien-bien-nam-xua-va-hien-tai-192240407080354675.htm