Hình ảnh ở New York khiến cả thế giới nghẹt thở

Bầu trời màu cam và những đôi mắt bỏng cay giữa lúc khói mù bủa vây New York. Thành phố không ngủ này quen với biến động thời tiết nhưng lần này, mọi thứ rất khác.

Trong nhiều ngày qua, hình ảnh New York nghẹt thở trong làn khói mù mịt khiến cả nước Mỹ và thế giới sửng sốt. Cư dân thành phố đông dân nhất nước Mỹ phải vật lộn đối phó với một thách thức ít khi gặp phải: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Cảnh tượng như tận thế

Khói bắt nguồn từ các vụ cháy rừng lớn bất thường ở Canada, đã khiến giới chức Mỹ đưa ra cảnh báo về chất lượng không khí ở bờ Đông và những chiếc khẩu trang N95 đã được trút bỏ sau đại dịch Covid-19 nay lại xuất hiện trở lại trên đường phố.

Trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ những bức ảnh về khung cảnh như “tận thế” và chia sẻ nhiều lời khuyên để giảm thiểu rủi ro sức khỏe.

 Hình ảnh cư dân New York và du khách bắt đầu ngày mới hôm 7/6 giữa lúc chất lượng không khí đạt đến mức nguy hiểm. Ảnh: New York Times.

Hình ảnh cư dân New York và du khách bắt đầu ngày mới hôm 7/6 giữa lúc chất lượng không khí đạt đến mức nguy hiểm. Ảnh: New York Times.

Bên ngoài các bang bờ Tây như California thường xảy ra cháy rừng hàng năm, những cảnh tượng được truyền thông mô tả là “khói mù tận thế” như thế này hiếm khi xảy ra ở đất nước cờ hoa.

Tuy nhiên, cách đó nửa vòng trái đất, việc chống chọi khói mù không phải điều gì xa lạ. Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng do khói, khí gas và hóa chất công nghiệp độc hại bao trùm nhiều thành phố lớn trên khắp châu Á trong nhiều năm, có thể trở thành vấn đề chung với nhiều thành phố khác trên toàn thế giới, khi khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.

Tại một cuộc họp báo trong tuần này, Thị trưởng New York Eric Adams đã nói lên cảm giác của nhiều người dân New York khi bước ra ngoài những ngày qua: “Cái quái gì thế này?”.

Các lãnh đạo thành phố hối thúc người dân cẩn trọng, và tránh ra ngoài, đồng thời đưa ra các biện pháp tức thì.

Dải băng màu vàng thường được thấy tại hiện trường vụ án đang trải dài khắp các lối vào sân chơi trong thành phố. Các sân nghỉ của trường học trở nên trống trải, và nhiều bậc cha mẹ được khuyến khích nhanh chóng đến đón con, tránh để chúng phải chờ đợi trong khói mù dày đặc.

"Không ổn rồi"

Khu phố Chinatown của Sunset Park ở Brooklyn hôm 7/6 không còn sự nhộn nhịp thường lệ.

“Không ổn rồi”, bà Gigi Chen nói khi đang bán cua sống - với giá 3 con 25 USD - ở gian hàng bên ngoài chợ Blue Ocean.

“Ở đây, buổi chiều rất bận rộn, nhưng không phải hôm nay”, bà nói với New York Times. Trong lúc bà Chen đang trao đổi với nhà báo, một người đàn ông đẩy chiếc xe chất đầy quần áo, vội vã đi qua, như thể cố gắng tránh mùi hôi.

 Các khu vực của thành phố thường nhộn nhịp nay trông như bị bỏ hoang. Ảnh: New York Times.

Các khu vực của thành phố thường nhộn nhịp nay trông như bị bỏ hoang. Ảnh: New York Times.

Khói mù tràn ngập và chất lượng không khí sụt giảm làm sống lại những cảnh tượng nhiều người không muốn nhớ lại từ đợt phong tỏa do đại dịch vào tháng 3/2020. Đi kèm với đó cảm giác bất lực trước những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Khẩu trang đang trở lại trên gương mặt của những người đi đường. Cư dân New York từng có thói quen kiểm tra điện thoại để tìm kiếm dữ liệu mới trước khi ra ngoài - nếu trước đó là tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thì bây giờ họ mở trang AirNow.gov.

Kim đồng hồ trên trang Air Quality Index (Chỉ số Chất lượng Không khí) dần dần tăng lên đối với thành phố New York, từ hạng mục được đánh dấu là “Không lành mạnh” đến “Rất không lành mạnh” và cuối cùng là “Nguy hiểm”. Ở những nơi khác trong tiểu bang, chỉ số cũng cao hơn.

Nhiều cư dân cần ra ngoài làm việc đang chủ động thực hiện các biện pháp như những ngày cần phòng dịch, đeo khẩu trang khi tới trạm tàu điện ngầm. Cảnh tượng đang gợi nhớ đến những ngày trước đó của đại dịch Covid-19 - và cảm giác về sự bất an mà virus corona từng gây ra. Nếu có điều gì đó có thể gọi là an ủi - dù là ít ỏi - thì đó là khói mù không gây lây nhiễm như Covid-19.

Và một điều nữa, đó là tình trạng này được dự báo sẽ sớm qua, không khí trong lành sẽ trở lại và khả năng có mưa trong tuần tới.

 Khẩu trang tưởng như đã bị chôn sâu giấu chặt sau thời kỳ Covid-19 đầy ám ảnh, nay trở lại trên đường phố New York. Ảnh: New York Times.

Khẩu trang tưởng như đã bị chôn sâu giấu chặt sau thời kỳ Covid-19 đầy ám ảnh, nay trở lại trên đường phố New York. Ảnh: New York Times.

Thế nhưng, giữa lúc làn khói vẫn còn dày đặc, những cảnh tượng lạ lẫm tràn ngập. Một số sân tennis nổi tiếng tại Trung tâm Quần vợt Central Park (Công viên Trung tâm) vắng vẻ sau khi các tay vợt hủy đặt chỗ. Những tấm màn khói xám phủ một tấm màn ma quái lên nghĩa trang Green-Wood ở Brooklyn.

Trên sân khấu Broadway, vở kịch “Prima Facie” đã bị gián đoạn sau 10 phút biểu diễn khi ngôi sao Jodie Comer bị khó thở và được hộ tống rời khỏi sân khấu.

Cuộc sống đảo lộn

Bên ngoài Quảng trường Thời đại, khung cảnh có phần không khác nhiều với ngày thường, khi vẫn còn nhiều khách du lịch qua lại - mặc dù mọi người dường như đang nói về cùng một điều.

Anh Rishabh Mehta (27 tuổi) đến thăm thành phố cùng vợ và bố mẹ từ Ấn Độ, bày tỏ sự thất vọng trước diễn biến bất thường.

“Chúng tôi không thể nhìn thấy các tòa nhà nếu lên đỉnh của các đài quan sát. Thật ngột ngạt. Chúng tôi cũng không thể đi bộ xa. Vì bầu không khí này dễ gây mệt mỏi sớm”, Mehta nói với New York Times.

Gần đó, Rauf Rahimov (27 tuổi) tài xế pedicab (một loại xe ba bánh ở New York) bên ngoài Central Park, đang ngồi ở ghế khách và chờ đợi.

“Không khách du lịch, không ai đi xe, và tôi không có thu nhập”, Rahimov nói. Vị tài xế mới kiếm được khoảng 65 USD hôm 7/6, chỉ bằng phân nửa ngày bình thường. Tại Brooklyn, một người giao đồ ăn có tên Mohammad Uddin, cho biết anh lớn lên ở Bangladesh, một quốc gia không xa lạ với chất lượng không khí nguy hại cho sức khỏe. Nhưng Uddin nói rằng tình trạng ở quê nhà anh không là gì so với hôm 7/6 ở Brooklyn. - “Ồ, không, không, không, không, không”, Uddin nhấn mạnh, nhắc từ “không” tới 5 lần.

Các sinh viên há hốc mồm sửng sốt khi rời khỏi khuôn viên Đại học Fordham ở Manhattan hôm 7/6.

“Hãy ngửi mùi thịt nướng đó, anh bạn!” - một hướng dẫn viên nói với du khách.

 Ảnh trái: Những người đi tàu điện ngầm ở nhà ga Myrtle Avenue ở Brooklyn, hôm 7/6. Ảnh phải: Cảnh tượng trên đường Fordham và Đại lộ Webster ở Bronx hôm 7/6. Ảnh: New York Times.

Ảnh trái: Những người đi tàu điện ngầm ở nhà ga Myrtle Avenue ở Brooklyn, hôm 7/6. Ảnh phải: Cảnh tượng trên đường Fordham và Đại lộ Webster ở Bronx hôm 7/6. Ảnh: New York Times.

Ở Bronx, Jeremiah Ducille, 20 tuổi, mặc quần tây và đeo cà vạt đứng cạnh bảng quảng cáo dịch vụ điện thoại không dây. Ducille thường ghét nắng nóng và nhiệt độ ẩm ướt. Anh nằm trong số ít người cảm thấy thoải mái với bầu trời tối thui phía trên.

“Bây giờ khói mù đang che khuất Mặt Trời. Tôi thích như vậy hơn”, anh nói.

Trong khi đó, trên một chiếc xe buýt đi xuống Đại lộ số 5 ở Manhattan, hành khách hầu như không thể nhìn ra Central Park bên ngoài cửa sổ, chỉ cách vài bước chân. Không còn cảnh tượng hàng xe ngựa xếp hàng bên ngoài lối vào công viên, New York trở thành một thành phố rất khác hôm 7/6.

“Giống như khói bị mắc kẹt, không thấy chút gió nào”, bà Dani Harkin, 54 tuổi, chia sẻ trên xe buýt. “Khung cảnh kỳ lạ bên ngoài cửa sổ khiến bà nhớ lại một ngày rất khó quên.

“Đêm qua, chúng tôi không thực sự nhận ra, nhưng nó có mùi như ngày 11/9”, bà Harkin nói. “Giống như có lửa cháy. Mùi rất giống hôm đó. Tôi không thể quên được”.

Remy Hernandez, 40 tuổi, một người giao đồ ăn ở Bronx, cũng nhìn ngày lạ thường này qua lăng kính ảm đạm tương tự. “Đối với tôi, có vẻ như thế giới đang kết thúc”, anh nói.

Ở khu phố trên, một đứa trẻ chạy scooter đến trường, hỏi cha: “Sao bên ngoài mù mịt quá”.

Đủ loại khẩu trang đang quay trở lại trên gương mặt cư dân ở New York. Ảnh: New York Times, Reuters, AP.

Đủ loại khẩu trang đang quay trở lại trên gương mặt cư dân ở New York. Ảnh: New York Times, Reuters, AP.

Thảm họa khiến hơn 24.000 người Canada phải sơ tán Chính quyền tỉnh bang Alberta, Canada ngày 6/5 đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi nơi này ghi nhận hơn 100 vụ cháy rừng, thiêu rụi 120.000 ha và khiến hơn 24.000 người sơ tán.

Duy Anh - An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hinh-anh-o-new-york-khien-ca-the-gioi-nghet-tho-post1437813.html