Hiệu quả từ vắc-xin điều trị ung thư vú

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo kết quả của thử nghiệm vắc-xin ung thư vú ở người giai đoạn 1 kéo dài hàng thập kỷ.

Vắc-xin giúp hệ thống miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt một số khối u tốt hơn.

Vắc-xin giúp hệ thống miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt một số khối u tốt hơn.

Phương pháp điều trị này được phát hiện là “rất an toàn”. Thử nghiệm giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn đang được tiến hành để kiểm tra tính hiệu quả. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Oncology.

Có tới 30% trường hợp ung thư vú liên quan đến việc sản xuất quá mức một loại protein được gọi là thụ thể 2 (HER2) của yếu tố tăng trưởng biểu bì ở người. Các loại ung thư dương tính với HER2 thường “hung hãn” hơn bình thường. Loại ung thư này cũng phát triển nhanh và có nhiều khả năng tái phát hơn.

Trong vài thập kỷ qua, một trong những phương pháp điều trị lâm sàng hiệu quả hơn đối với loại ung thư vú này là liệu pháp kháng thể đơn dòng. Phương pháp này được nghiên cứu để ngăn chặn hoạt động của HER2 trên các tế bào khối u. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu đã nghiên cứu về vắc-xin có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch, nhắm mục tiêu vào các tế bào khối u dương tính với HER2.

Những loại vắc-xin này không được thiết kế để phòng ung thư. Thay vào đó, chúng được gọi là vắc-xin điều trị. Loại vắc-xin này được tiêm vào bệnh nhân sau khi họ nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Qua đó, giúp hệ thống miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt một số khối u tốt hơn.

Trong trường hợp này, các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc-xin ADN. Các loại vắc-xin này cung cấp bản thiết kế ADN để sản xuất một số protein nhất định vào nhân tế bào. Protein này sau đó được sản xuất bởi tế bào, kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vắc-xin đang được thử nghiệm thúc đẩy các tế bào sản xuất một đoạn cụ thể của protein HER2.

Thử nghiệm giai đoạn 1 này đã bắt đầu cách đây 20 năm. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 66 bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn cuối dương tính với HER2. Mục tiêu chính của thử nghiệm là đánh giá tính an toàn lâu dài của vắc-xin.

Protein HER2 có thể được tìm thấy trên các loại tế bào khác trong cơ thể. Do đó, các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch theo dõi mỗi bệnh nhân trong 10 năm. Nhờ đó, đảm bảo không có vấn đề về hoạt động miễn dịch chống lại mô khỏe mạnh.

Tác giả chính của nghiên cứu - bà Mary Disis thuộc Trường Đại học Y khoa Washington (Mỹ) cho biết: “Kết quả cho thấy, vắc-xin rất an toàn. Thực tế, các tác dụng phụ phổ biến nhất mà chúng tôi thấy ở khoảng một nửa số bệnh nhân rất giống với những gì mọi người gặp khi tiêm vắc-xin Covid-19. Đó là đỏ và sưng tại chỗ tiêm, hoặc có thể sốt, ớn lạnh cũng như có các triệu chứng giống cúm”.

Cũng theo bà Disis, nếu kết quả của thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 2 khả quan, đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ để nhóm nghiên cứu nhanh chóng tiến tới thử nghiệm cuối cùng.

Theo New Atlas

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-vac-xin-dieu-tri-ung-thu-vu-post614617.html