Hiệu quả từ tủ sách gia đình

Sách được ví như một nguồn nước mát lành làm xanh tốt tâm hồn trẻ thơ. Vì vậy, nhiều gia đình đã hướng dẫn và tạo không gian cho con đọc sách hằng ngày thông qua việc xây dựng tủ sách gia đình. Điều này không chỉ đóng vai trò bồi dưỡng tri thức, gắn kết yêu thương mà còn vun đắp tâm hồn cho con trẻ.

Trong những năm tháng đầu đời, trẻ em thường hiếu kỳ, muốn tìm hiểu về cuộc sống và khám phá thế giới xung quanh. Sách được xem là người bạn đồng hành, cung cấp những kiến thức cần thiết, giúp trẻ tiếp cận sự vật, sự việc một cách đúng đắn. Việc giáo dục nhận thức của trẻ giữ vai trò cốt lõi trong hình thành tính cách về sau. Do vậy, những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi sẽ giúp trẻ xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp; rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ từ tủ sách của gia đình là một biện pháp tự học hữu hiệu, thiết thực.

Đều đặn mỗi tối, chị Lục Thu Thảo, tổ 10, phường Sông Bằng (Thành phố) cùng con trai có mặt bên tủ sách gia đình. Là một người yêu sách, chị Thảo truyền lửa cho con từ rất sớm. Đủ các loại sách từ kĩ năng sống, khoa học, văn hóa... đều được con chăm chú đọc và tìm hiểu. Với đứa trẻ đang học tiểu học, mỗi trang sách là một chân trời tri thức mới, lôi cuốn và thu hút. Không cần bố mẹ nhắc nhở, con tự giác đọc sách lúc rảnh rỗi, thậm chí còn mang bên mình để tranh thủ đọc vào giờ giải lao.

Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ từ tủ sách gia đình là một biện pháp tự học hữu hiệu, thiết thực.

Chị Thảo chia sẻ: Sau một ngày học tập và làm việc, cả nhà tôi cùng nhau có những phút giây thư giãn bên tủ sách gia đình. Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích cho con như giúp tăng khả năng đọc, tư duy nhanh, trí tưởng tượng phong phú, nâng cao trí tuệ, đa dạng hóa vốn từ vựng, tăng cường khả năng ghi nhớ... Đọc sách còn giúp các con rời xa các thiết bị công nghệ, qua đó ngăn ngừa khủng hoảng tâm lí như trầm cảm, tự kỉ, rối loạn lo âu, rèn luyện khả năng tập trung và giúp trẻ phát triển thói quen đưa ra ý kiến, có đời sống tinh thần tích cực, biết kiểm soát cảm xúc, tự tin vào bản thân và gắn kết với cha mẹ.

Trước quá nhiều lựa chọn hấp dẫn, việc làm thế nào để con đọc sách không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên xây dựng thói quen đọc sách cho con ngay từ bé. Đối với trẻ thơ, các đầu mục sách phải thực sự phong phú và phù hợp với sự mong đợi của trẻ. Ở độ tuổi mẫu giáo nên tương tác sách chuyển động hoặc truyện tranh nhiều màu để kích thích trí tò mò, khám phá. Khi đã biết đọc, biết viết, con sẽ được làm quen với truyện chữ. Quá trình đọc và tưởng tượng thông qua những trang sách sẽ mang đến cho các con những phút giây đầy thú vị, nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những thông điệp nhân văn. Tủ sách gia đình sẽ ngày càng lớn dần theo tuổi của con. Đầu tư tủ sách gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, ước mơ của trẻ, giữ gìn truyền thống văn hóa qua những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc…

Mặt khác, tương lai của con chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục của cha mẹ, cũng như nền nếp gia đình. Do đó, cha mẹ nên làm gương để con có thể tiếp xúc với tri thức, nhất là việc đọc. Việc đọc đúng, có kỹ năng chính là chìa khóa, là nền tảng cho con mở rộng vốn kiến thức của mình trong quá trình học tập và phát triển bản thân.

Các tủ sách gia đình đã và đang có tác dụng trong việc góp phần bồi đắp và lan tỏa văn hóa đọc, nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp. Vì vậy, xây dựng và duy trì tủ sách trong mỗi gia đình chính là xây đắp những viên gạch vững chắc cho tương lai của con trẻ.

Thu Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hieu-qua-tu-tu-sach-gia-dinh-3168718.html