Hiệu quả từ nguồn vốn địa phương

Những năm qua, dù nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng huyện Sông Hinh vẫn nỗ lực cân đối vốn địa phương ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay. Cùng với nguồn vốn ủy thác của tỉnh và nguồn vốn trung ương phân bổ, nguồn vốn này đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng thu hoạch lươn thương phẩm để chuẩn bị thả nuôi lứa mới. Ảnh: LÊ HẢO

Mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất

Tháng 3/2024 vừa qua, sau khi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh giải ngân 80 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn địa phương, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1996, ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng) đã liên hệ với công ty cung cấp lươn giống ở tỉnh Cà Mau để mua 6.000 con lươn giống về thả nuôi. Ngoài ra, anh còn mua thêm thức ăn và thực phẩm bổ sung cho lươn.

Anh Tuấn cho biết: Tôi khởi nghiệp từ năm 2022. Ban đầu tôi tập trung phát triển vườn cây ăn trái của gia đình, sau đó nuôi bò sinh sản, đào ao nuôi cá kết hợp nuôi ốc. Năm 2023, tôi bắt đầu xây hồ nuôi thử nghiệm 1.000 con lươn giống theo phương thức nuôi không bùn. Lươn phát triển tốt, đến nay đã xuất bán gần hết nên tôi muốn đầu tư mở rộng việc nuôi lươn.

Theo anh Tuấn, xuất thân là kỹ sư xây dựng, anh không có nhiều kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng với quyết tâm khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp tại quê nhà, anh không ngại học hỏi, tìm hiểu các mô hình phù hợp.

“Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, tôi nhận thấy lươn dễ sống, nhanh phát triển, cách chăm sóc lại đơn giản nên quyết định đầu tư cho mô hình này. Kiến thức nuôi lươn tôi chủ yếu tìm hiểu trên mạng. Tôi cũng đã đến nhiều trại nuôi lớn để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và có trao đổi kỹ thuật nuôi với nhà cung cấp lươn giống. Nhờ có vốn của NHCSXH, tôi mạnh dạn mở rộng đầu tư, nuôi lươn với số lượng lớn hơn để sớm hoàn thiện mô hình sản xuất của mình”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng nhờ vốn của NHCSXH, hộ bà Phan Thị Lùn ở khu phố 3, thị trấn Hai Riêng mới có điều kiện duy trì và mở rộng hoạt động chăn nuôi heo. Bà Lùn cho biết trước đây, gia đình được vay vốn hộ mới thoát nghèo để chăn nuôi. Tuy nhiên, có giai đoạn giá heo giảm, việc chăn nuôi không mang lại lợi nhuận như mong muốn nên sau khi trả hết nợ ngân hàng, gia đình chưa có điều kiện tái đàn.

Mới đây, khi ngân hàng thông báo có nguồn vốn địa phương cho người dân vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hộ bà Lùn được giải ngân 70 triệu đồng. “Với số vốn này, chúng tôi mua heo rừng lai mẹ và heo giống về nuôi. Hiện trong chuồng có gần 30 con đang phát triển tốt”, bà Lùn cho hay.

Không riêng hộ anh Tuấn hay bà Lùn, từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh đã giải ngân gần 7 tỉ đồng vốn địa phương ủy thác cho 137 hộ dân trên địa bàn vay vốn sản xuất, kinh doanh. Lũy kế đến nay, dư nợ tín dụng chính sách từ nguồn vốn địa phương ở huyện Sông Hinh đạt hơn 30,2 tỉ đồng chiếm 6,6% tổng dư nợ; với 582 hộ còn vay vốn, chiếm 7,02% tổng số hộ còn dư nợ.

Tiếp tục huy động nguồn lực cho vay

Ông Trần Văn Thanh Minh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh cho biết: Thời gian qua, cùng với nguồn vốn ủy thác của tỉnh và nguồn vốn trung ương phân bổ, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện Sông Hinh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Từ nguồn vốn này, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh đã kịp thời giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Sông Hinh, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập trung huy động nguồn lực cho vay, nhất là nguồn ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng chính sách. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác và các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để phát huy hiệu quả cho vay. Các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng và những mô hình hộ vay làm ăn hiệu quả để người dân biết, học hỏi; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, thường xuyên củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn… nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

LÊ HO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/315111/hieu-qua-tu-nguon-von-dia-phuong.html