Hiệu quả từ mô hình Phiên tòa giả định

'Phiên tòa giả định' được Đoàn Khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức đã trở thành một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật rất hiệu quả.

Phiên tòa giả định về tội giết người, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, chất kích thích, chống hủ tục lạc hậu tại xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Phiên tòa giả định về tội giết người, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, chất kích thích, chống hủ tục lạc hậu tại xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Mô hình "Phiên tòa giả định" được Đoàn Khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức đã trở thành một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật rất hiệu quả. Mô hình này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh.

Mới đây, Đoàn Khối cơ quan – doanh nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp với Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Bến Tre tổ chức phiên tòa giả định liên quan đến hành vi đánh bạc dưới hình thức lô, đề.

Phiên tòa được tổ chức tại UBND xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa đã giúp các đoàn viên, hội viên, thanh niên hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng; hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật.

Anh Lê Phương Khắc, Phó Bí thư Xã đoàn Nhơn Thạnh cho biết, bằng hình thức trực quan, sân khấu hóa vừa sinh động, vừa gần gũi, những phiên tòa giả định đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, việc xây dựng kịch bản những phiên tòa giả định bám sát thực tiễn đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của mọi người.

Nội dung những phiên tòa giả định còn được xây dựng theo hướng toàn diện, phản ánh các tình huống pháp lý, các vụ việc vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực sát với thực tiễn tại địa phương như tội phạm mua bán ma túy, chất kích thích, tội phạm xâm hại trẻ em... Đặc biệt, phần giao lưu và trực tiếp trả lời các câu hỏi sau mỗi phiên tòa đã kịp thời giải đáp thắc mắc của mọi người, nhất là học sinh, đoàn viên, thanh niên thiếu niên.

Nhiều câu hỏi tình huống được thành viên Hội đồng xét xử và đại diện các cơ quan trả lời cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Phiên tòa giả định giúp mọi người hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội nói chung; các bạn trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao cảnh giác, tránh xa những "cạm bẫy".

Anh Nguyễn Minh Thiện, Bí thư Đoàn Khối cơ quan – doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết, để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, Đoàn Khối đã triển khai nhiều cách làm, nhiều mô hình qua mạng xã hội, Zalo, Facebook, lồng ghép các buổi sinh hoạt đoàn và đặc biệt là tổ chức các phiên tòa giả định tại các trường học, đơn vị.

Phiên tòa giả định liên quan đến tội đánh bạc dưới hình thức số lô, số đề tại xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, Bến Tre. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Phiên tòa giả định liên quan đến tội đánh bạc dưới hình thức số lô, số đề tại xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, Bến Tre. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Từ năm 2019 đến nay, Đoàn Khối đã tổ chức 17 phiên tòa giả định, trong đó từ đầu năm 2023 đến nay đã tổ chức 5 phiên. Các phiên tòa tập trung tuyên truyền về phòng, chống ma túy; tác hại rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; chống hủ tục lạc hậu; phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; các nội dung liên quan đến tín dụng, thế chấp tài sản tại ngân hàng...

Điểm nổi bật của việc tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức phiên tòa giả định là góp phần tuyên truyền những quy định của pháp luật một cách hiệu quả hơn, đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan, mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các bị cáo trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự.

Đặc biệt, Đội hình Luật gia trẻ tỉnh Bến Tre luôn chú trọng việc xây dựng kịch bản những phiên tòa giả định bám sát thực tiễn, những vấn đề nóng tại địa phương, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi của mọi người, từ đó giúp người dân dễ tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật.

Có thể thấy, cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên, trở thành cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe cao nhất là đối với lứa tuổi thanh - thiếu niên.

Đây cũng là biện pháp để Đoàn Thanh niên và các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật; đồng thời, giáo dục cho mọi người, nhất là học sinh, đoàn viên, thanh niên về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ hiện nay, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, tăng cường sự ổn định mọi mặt tại các địa phương./.

Chương Đài/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-phien-toa-gia-dinh/305630.html