Hiệu quả từ Đề án cải tạo vườn tạp ở biên giới Sa Thầy

Với sự vào cuộc tích cực, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương và gương mẫu, đi đầu của đảng viên ở các thôn làng, Đề án cải tạo vườn tạp ở biên giới Sa Thầy đạt hiệu quả tích cực, diện tích cây ăn quả tăng mạnh.

Huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có tổng dân số 54.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Năm 2021, Huyện ủy Sa Thầy ban hành Đề án 07 về cải tạo vườn tạp, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả phát triển kinh tế gia đình.

Từ khu vườn tạp của đình, ông A Thiếu đã cải tạo thành vườn cây ăn quả có hệ thống tưới tiết kiệm nước

Từ khu vườn tạp của đình, ông A Thiếu đã cải tạo thành vườn cây ăn quả có hệ thống tưới tiết kiệm nước

Đã bước sang tuổi 70 song ông A Thiếu, dân tộc Gia Rai ở làng Lung, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vẫn đi đầu trong việc làm kinh tế. Ông cho biết, năm 2022 khi Đảng ủy xã có Nghị quyết về việc cải tạo vườn tạp, gia đình ông xung phong đăng ký thực hiện được hỗ trợ 20 cây mít và 50 cây sầu riêng. Để tiện công chăm sóc, ông mua thêm 50 cây sầu riêng và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước. Theo ông A Thiếu, là đảng viên trên 30 năm tuổi đảng, ông cần gương mẫu làm trước và làm tốt để bà con dân làng làm theo.

“Nếu các hộ dân cứ chỉ trồng cây và bỏ mặc rồi nói rằng Nhà nước cho giống không tốt là không đúng, tất cả đều là do mình. Nếu mình chăm sóc tốt cây phải lên tốt. Gia đình tự đào hố, mua máy bơm với khoan giếng nước, mở cầu dao tự phun tưới nhanh hơn. Gia đình tôi cố gắng trồng và chăm sóc cho cây sống tốt để có thu nhập, từ đó phát triển kinh tế gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững”, ông A Thiếu chia sẻ.

Xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy có hơn 1.600 hộ dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Để việc cải tạo vườn tạp đạt kết quả thực chất, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ phối hợp với cán bộ xã rà soát từng trường hợp cụ thể, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ dân tộc thiểu số nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện về đất đai và nguồn nước tưới mới hỗ trợ cây giống. Với cách làm này trong 3 năm qua, xã Ya Xiêr đã vận động người dân cải tạo được hơn 54 ha vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là cây sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết, có rất nhiều nhà vườn đã thành công và trở thành những mô hình điểm, được xã tổ chức cho bà con đi tham quan học hỏi. Sau đó những hộ làm tốt hướng dẫn cho những hộ khác để cùng chăm sóc cây một cách tốt nhất. “Ngoài ra xã cũng tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nên ý thức của bà con nâng lên rất nhiều. Thấy cây có giá trị kinh tế cao lại được Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật một cách tận tình nên đến nay bà con rất là quan tâm chăm sóc”, ông Hậu cho hay.

Để có nguồn lực hỗ trợ giống cây ăn quả cho người dân ở 11 xã, thị trấn cải tạo vườn tạp, huyện Sa Thầy đã huy động từ nhiều nguồn lực. Tính riêng từ năm 2023 đến nay từ nguồn xã hội hóa gần 2 tỷ đồng, huyện mua hơn 15.000 cây giống sầu riêng và mắc ca hỗ trợ người dân.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng kết hợp các chương trình, dự án để có giống cây ăn quả giúp người dân cải tạo vườn tạp. Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 177 hộ dân tộc thiểu số trong huyện cải tạo được 52 ha vườn tạp để trồng cây ăn quả.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết, huyện đã triển khai đồng loạt nhiều chương trình, dự án, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ thông qua các hoạt động khuyến nông. “Huyện đã đưa các mô hình giống mới về hỗ trợ cho bà con, quan tâm đặc biệt đến người đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện nâng cao giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn bằng việc triển khai mở rộng diện tích cây sầu riêng, từ đó nhân dân phấn khởi hưởng ứng và tích cực chăm sóc cây”, bà Luyến thông tin.

Huyện Sa Thầy đã phát triển được gần 1.600 héc ta cây ăn quả, trong đó có hơn 660 héc ta sầu riêng

Huyện Sa Thầy đã phát triển được gần 1.600 héc ta cây ăn quả, trong đó có hơn 660 héc ta sầu riêng

Sau 3 năm triển khai Đề án 07 về cải tạo vườn tạp, huyện Sa Thầy đã có sự thay đổi căn bản trong việc phát triển diện tích cây ăn quả. Tích tiểu thành đại, nếu như tổng diện tích cây ăn quả của huyện vào cuối năm 2020 mới có 285 ha, đến cuối năm 2023 huyện Sa Thầy đã phát triển được gần 1.600 ha, trong đó riêng cây sầu riêng hơn 660 ha.

“Đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tham gia cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện, đặc biệt là tham gia vào mô hình trồng cây ăn trái bước đầu thấy có hiệu quả, người dân hiện nay đăng ký rất nhiều. Năm 2025, huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ về giống cây cải tạo vườn tạp thông quá đó làm cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên làm giàu”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy khẳng định.

Cùng với chủ trương cải tạo vườn tạp, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả phát triển kinh tế gia đình, Huyện ủy Sa Thầy cũng đã có những chỉ đạo cụ thể để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị vườn cây. Đến nay huyện đã có 2 hộ được cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 31 ha, việc canh tác cây ăn quả thực hiện theo hướng hữu cơ, bền vững.

Về lâu dài, chính quyền huyện Sa Thầy đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây nhằm tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-de-an-cai-tao-vuon-tap-o-bien-gioi-sa-thay-post1095981.vov